ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Phát triển kinh tế xanh - Từ nhận thức, chính sách đến thực tiễn ở Việt Nam

Ngày đăng: 29 | 10 | 2024

​​​​​​​Kinh tế xanh là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Cho nên, phát triển kinh tế xanh góp phần hiện thực hóa sự kết hợp giữa các yếu tố trên, đồng thời góp phần nâng cao đời sống của con người, cải thiện môi trường xã hội và giảm thiểu những rủi ro về môi trường. Bài viết làm rõ về quá trình nhận thức và thực tiễn phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; từ đó, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam theo hướng bền vững thời gian tới. 

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu hướng phát triển của các nước trên thế giới nhằm ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phát triển kinh tế xanh vừa bảo đảm mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành nên quá trình triển khai và thực hiện phát triển kinh tế xanh đã đạt được hiệu quả bước đầu.  

Tuy nhiên, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chưa nhanh; thiếu nguồn lực tài chính, khoa học và công nghệ chất lượng cao, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu… Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho thế hệ tương lai. 

2. Quá trình nhận thức về phát triển kinh tế xanh

Theo Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (2011), kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, bảo đảm công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường, sinh thái. Đó là nền kinh tế giảm phát thải khí carbon, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm công bằng xã hội”1. Cùng quan niệm trên, theo Adarina và cộng sự (2019), kinh tế xanh là mô hình nền kinh tế hướng tới nâng cao phúc lợi của con người và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, giảm thiểu đáng kể các rủi ro suy thoái về môi trường2

Tại Việt Nam, thời gian gần đây có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế xanh. Theo Lê Quốc Lý (2014): “Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái”3. Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Hoàn và cộng sự (2022) cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh dựa trên ba trụ cột gồm: Phát triển kinh tế; bền vững môi trường và gắn kết xã hội”4

Từ các quan niệm trên có thể hiểu, phát triển kinh tế xanh là quá trình phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sống của con người, bảo đảm ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.

Tại Việt Nam, phát triển kinh tế xanh được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã “xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp”5.

Quán triệt quan điểm của Đảng, Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói, đây là Chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện đến lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, tạo tiền đề và căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế xanh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng cách ban hành nhiều quyết định quan trọng có liên quan đến phát triển kinh tế xanh như: Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế… 

Thực hiện nghị quyết của Đảng, chủ trương của Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Ngành Ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, do vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. NHNN cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Như vậy, có thể thấy chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế xanh đã thể hiện rõ ràng, có lộ trình bài bản và sự quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. 

3. Thực tiễn phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Hơn 12 năm qua, kể từ khi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh, cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng theo hướng xanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 - 2023 luôn tăng trưởng ở mức trên 5,5%, đây được xem là kỳ tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động nặng nề từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và dịch bệnh Covid-19. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của nước ta tiếp tục khởi sắc với mức tăng khoảng 6,42%. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3,38%, theo đó, khu vực này đóng góp khoảng 5,96% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%6. Như vậy, so với cùng kỳ các năm trước, cơ cấu kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, theo đó, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là xu thế phát triển kinh tế tất yếu phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Đặc biệt, các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã được Việt Nam triển khai thực hiện. Hiện tại, có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến tăng trưởng xanh như: Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn của Công ty cổ phần Nguyên Khôi Xanh ở tỉnh Phú Thọ với quy trình chăn nuôi lợn chặt chẽ, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, tiến tới xây dựng nền kinh tế xanh; mô hình thu chất thải làm phân bón của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn tại tỉnh Đồng Tháp với mô hình “sông trong ao”, cho phép một phần bùn thải, chất hữu cơ trong hồ nuôi cá được xử lý làm phân bón, trong đó nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh; hay mô hình sử dụng năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Thiên Long tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo một nguồn điện lớn cung cấp cho nhà máy, góp phần bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng và các biến thể như rừng - vườn - ao - chuồng, hệ thống trồng cây - nuôi cá kết hợp giúp thu hồi khí thải hoặc tận dụng thức ăn, dinh dưỡng. Các mô hình này đã góp phần giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/năm7. Đồng thời, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của kinh tế xanh được nâng cao.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đẩy mạnh cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và những cam kết quốc tế về phát triển kinh tế xanh của Chính phủ. Trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến hết năm 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của các TCTD đạt gần 528.300 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với toàn bộ nền kinh tế8. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng thương mại có dư nợ tín dụng xanh cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Ngoài ra, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là ngân hàng thương mại tiên phong trong lĩnh vực cho vay kinh tế xanh. Các ngân hàng thương mại khác của Việt Nam như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB)… cũng đạt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân trên 45% hằng năm. Các dự án được các ngân hàng thương mại chú trọng đầu tư là năng lượng điện tái tạo, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Đó là nhận thức của xã hội về nền kinh tế xanh vẫn còn hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật vẫn chưa thật sự đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam còn yếu, do tích lũy quốc gia so với các nước phát triển còn thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam còn ít, trình độ phát triển khoa học và công nghệ, năng suất lao động chưa cao so với các nước trên thế giới.

 

4. Khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh. Theo đó, phát triển kinh tế xanh phải trở thành cú hích, động lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng và các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững. Phát huy vai trò điều hành của Chính phủ và của các bộ, ngành trong phát triển kinh tế xanh. Song song đó, các địa phương cần sớm quán triệt các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, xây dựng cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Cần bảo đảm tính hiệu quả trong việc thực thi các chủ trương và chính sách về phát triển kinh tế xanh, đồng thời, bảo đảm tính ổn định, lâu dài trong các chủ trương, chính sách để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục cải cách hệ thống thuế về tài nguyên, môi trường theo hướng phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, thực hiện giảm và miễn thuế đối với các doanh nghiệp có quy trình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố quan trọng, tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Mặt khác, Việt Nam cần chú trọng thiết lập các khung chính sách hỗ trợ và khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển kinh tế xanh. 

Ba là, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế xanh, trong đó có tín dụng xanh để tạo cơ chế thu hút các nguồn lực tài chính quốc tế phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; có chính sách hỗ trợ vốn cho các TCTD tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có thể mở rộng tín dụng xanh, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế xanh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Đồng thời, NHNN cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động tín dụng của các TCTD, khuyến khích các hoạt động cho vay tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo. Chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh (thị trường tín dụng xanh, chuyển đổi xanh…). Đồng thời, các bộ, ngành cần tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực trong phát triển kinh tế xanh.

Năm là, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế trong nước, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả nhiều hình thức thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển các ngành công nghiệp; khuyến khích và thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng tới thị trường tín chỉ carbon. Tập trung đầu tư nguồn lực vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh nhằm học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về quản trị nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, cũng như tranh thủ nguồn lực quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhất là thu hút đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, các nước phát triển để phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những dự án có quy mô lớn, hiện đại của các tổ chức quốc tế có uy tín được đầu tư tại Việt Nam. 
Như vậy, phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu thế phát triển của các nước trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần thực hiện đúng cam kết với cộng đồng quốc tế về tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về mức Net Zero vào năm 2050. Để hiện thực hóa điều đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; tăng cường đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế xanh… nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Phạm Ngọc Hòa 

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp

(Theo tapchinganhang.gov.vn)


1 UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication. Geneva: United Nation Enviroment Programme.

2 R. Adarina, Yu Gazukina & K Yankovskaya (2019), Indicators of the “Green economy” as a tool for monitoring the regional economy, IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, IOP Publishing.

3 Lê Quốc Lý (2014), Giáo trình Kinh tế môi trường (Dành cho đào tạo sau đại học), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 206.

4 Nguyễn Đình Hoàn và cộng sự (2022), “Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, số 03 (224), trang 15.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, trang 123 - 124.

6 Tổng cục Thống kê (2024), “Một số điểm sáng tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024”, truy cập từ trang https://www.gso.gov.vn

7 Trần Ánh Ngọc (2023), “Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, truy cập từ trang https://tapchilaodongxahoi.vn

8 Dương Văn Bôn (2024), “Xu hướng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, truy cập từ trang https://kinhtevadubao.vn

 

Tài liệu tham khảo

1. Dương Văn Bôn (2024), “Xu hướng phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

4. Nguyễn Đình Hoàn và cộng sự (2022), “Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, số 03 (224).

5. Lê Quốc Lý (2014), Giáo trình kinh tế môi trường (Dành cho đào tạo sau đại học), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

6. Trần Ánh Ngọc (2023), Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức, Tạp chí điện tử Lao động và xã hội.

7. Tổng cục Thống kê (2024), “Một số điểm sáng tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024”. 

8. UNEP (2011), “Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication”, Geneva: United Nation Enviroment Programme (UNEP).

9. R. Adarina, Yu Gazukina & K Yankovskaya (2019), “Indicators of the “Green economy” as a tool for monitoring the regional economy”, IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, IOP Publishing.

NỘI DUNG KHÁC

Áp dụng cơ chế “Đặt cọc - Hoàn trả” để thu gom chai nhựa - Tình huống nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh

30-10-2024

 Thực trạng thải bỏ chai nhựa không đúng cách trong cộng đồng dân cư gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh, đang là một vấn đề đáng lo ngại. Nhằm góp phần vào hoạt động quản lý rác thải và giảm rác thải nhựa (RTN) ra môi trường, nhóm nghiên cứu áp dụng công cụ “Đặt cọc - Hoàn trả” trong họat động thu gom chai nhựa PET để xây dựng mô hình "mượn chai nước” tại địa phương. Thông qua phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM), phỏng vấn trực tiếp 202 người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh bằng bảng hỏi khảo sát mức sẵn lòng chi trả dựa trên giả định người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm bao nhiêu tiền khi mua một chai nước làm bằng nhựa PET, nhóm tác giả xác định mức phí “Đặt cọc” cho hoạt động thu gom chai PET sau sử dụng. Kết quả cho thấy, mức sẵn lòng chi trả cho chi phí “Đặt cọc” là từ 1.200 - 2.000 đồng/chai tùy dung tích; sự sẵn lòng tham gia vào chương trình “mượn chai nước” của người tiêu dùng là trên 88%. Từ kết quả này, nghiên cứu đề xuất thực hiện mô hình “mượn chai nước” tại TP. Hồ Chí Minh để thu gom chai PET sau sử dụng cho hoạt động tái chế, tái sử dụng, BVMT.

Bộ tiêu chí chấm điểm về quyền tiếp cận và đăng ký đất đai đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

31-10-2024

 Để giúp các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn xây dựng các chiến lược, chính sách đất đai cho đối tượng là doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng, thì rất cần có một công cụ quản lý mới, hằng năm có thể căn cứ vào kết quả đó để đánh giá hiệu quả quản lý đất đai ở địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ở địa phương. Nghiên cứu đề xuất Bộ tiêu chí chấm điểm cho các địa phương về quyền tiếp cận đất đai và đăng ký đất đai đối với DNNVV. Đây là bộ chỉ số đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng, hiệu quả quản lý đất đai của các tỉnh/thành phố, được coi là tấm gương phản chiếu, thể hiện hiệu quả quản lý đất đai thông qua đánh giá của các DNNVV đối với hệ thống quản lý đất đai.

Thực trạng về chất thải rắn sinh hoạt và tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn từ rác thải nhựa cho Thành phố Hồ Chí Minh

4-11-2024

    Chất thải rắn (CTR) phát sinh cùng với sự phát triển của con người gần như là quy luật không thể tránh khỏi, đáng chú ý là rác thải nhựa (RTN). Bằng phương pháp lý thuyết và thực tiễn, nghiên cứu đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho ngành nhựa, giảm thiểu RTN cho TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kết quả cho thấy chưa đến 44% rác nhựa được thu hồi, còn lại hơn 56% người dân thải bỏ. Thành phần RTN phần lớn là nhựa polypropylen (27,1%), polyetylen (51,2%) và polyvinyl clorua (13,4%). Đặc biệt, thông qua phương pháp phân tích SWOT và thang đo Likert, nghiên cứu đã chỉ ra cơ hội trong việc tái thu nhập tài chính và những thách thức cần giải quyết khi áp dụng giải pháp đề xuất cho khu vực nghiên cứu.

Lối sống xanh - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

4-11-2024

 Lối sống xanh có vai trò và ý nghĩa lớn với sự phát triển bền vững, là lối sống hiện đại thể hiện thái độ, hành vi của con người, hướng tới giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường. Nghiên cứu tổng hợp, phân tích tài liệu nhằm khái quát một số vấn đề cơ bản về lối sống xanh, chỉ ra kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới trong thực hành lối sống xanh trên các khía cạnh tiêu dùng thực phẩm bền vững, sử dụng sản phẩm tái chế và tiết kiệm năng lượng, từ đó khuyến nghị một số bài học trong xây dựng và phát triển lối sống xanh ở Việt Nam.

Đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá điều kiện chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp

5-11-2024

 Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển đổi đất trồng lúa sang đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp là một thực tế khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của đất nước. Cây lúa là loại cây trồng đặc biệt, có ý nghĩa và vai trò rất lớn đối với an ninh lương thực quốc gia, nên pháp luật cũng đặt ra các quy định ràng buộc và chỉ cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp khi đáp ứng được các yêu cầu và thủ tục. Tuy nhiên, trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp bên cạnh các kết quả tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH và phát huy tiềm năng từ đất đai thì cũng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Mặc dù, pháp luật đã có một số quy định liên quan, tuy nhiên các quy định hiện hành về tiêu chí chuyển đổi đất lúa chưa cụ thể, rõ ràng để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, gây ra nhiều khó khăn trong chuyển đổi hoặc chuyển đổi kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực đất đai. Do vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá điều kiện chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp là cần thiết, nhằm cung cấp cơ sở cho việc quyết định chuyển đổi đất trồng lúa, phục vụ cho nhu cầu quản lý, cũng như nghiên cứu, đầu tư, tăng cường năng lực của tổ chức, cá nhân liên quan.

Phòng ngừa, ứng phó các xung đột môi trường biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng

7-11-2024

 Thế giới đang đứng trước nhiều vấn đề về an ninh môi trường (ANMT) mang tính quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, ANMT, trong đó có ANMT biển đang đứng trước những thách thức như xung đột môi trường (XĐMT), ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp; suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học; vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai, bệnh dịch ngày càng nghiêm trọng; tình hình vi phạm và tội phạm về môi trường diễn ra phổ biến, hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của nước ta.

Các tác động đến môi trường tự nhiên và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ

8-11-2024

Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và đảm bảo an ninh - quốc phòng toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi triển khai và thực hiện Quy hoạch có nhiều bất cập, tác động đến môi trường tự nhiên do đó cần có các giải pháp BVMT để quy hoạch có hiệu quả hơn.

Cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt

11-11-2024

Hệ sinh thái nước ngọt mang lại những giá trị quan trọng cho con người và góp phần thích ứng với khí hậu bằng cách giảm thiểu lũ lụt cực đoan, xây dựng khả năng phục hồi trước hạn hán, điều hòa nhiệt độ và vi khí hậu…

Tác động của cách tiếp cận dự báo dài hạn (foresight) tới chính sách khoa học và công nghệ về môi trường: Kinh nghiệm Hà Lan

14-11-2024

 Toàn cầu hóa cũng như các vấn đề về môi trường hiện nay khiến các nhà hoạch định chính sách phải nhìn nhận lại khả năng các nghiên cứu về tương lai đối với quá trình xây dựng chính sách. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nghiên cứu tương lai khắp châu Âu được biết dưới tên là dự báo dài hạn (foresight). Trong các nghiên cứu này, dù ít hay nhiều, các nghiên cứu cố gắng làm nổi bật vai trò của dự báo dài hạn trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách khoa học và công nghệ.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với công tác bảo vệ môi trường

14-11-2024

  Bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống đã được cộng đồng và cả xã hội quan tâm kể từ khi Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VII ra đời. Sau đó, để dẫn đường cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, nhiều chủ trương, chính sách liên quan đã được ban hành, đề cập đến tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, bảo vệ môi trường (BVMT) nói riêng, ở các mức độ, khía cạnh khác nhau và điều đó được thể hiện khá rõ nét trong Luật BVMT năm 2020.

Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

14-11-2024

  Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, tỉnh Hưng Yên là địa phương có nguồn tài nguyên nước (TTN) mặt phong phú, dồi dào, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, đe dọa đến an ninh nguồn nước (ANNN), tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững (PTBV) nền kinh tế trước mắt cũng như lâu dài.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

15-11-2024

 Lưu vực sông (LVS) Hồng - Thái Bình là LVS lớn nhất miền Bắc có diện tích 169.000 km2, trong đó phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam là 88.680 km2, chiếm 51,3 % diện tích lưu vực, phần còn lại thuộc lãnh thổ Trung Quốc và Lào. Nguồn nước sông Hồng - Thái Bình là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động kinh tế - xã hội (KT - XH) của 16 tỉnh Bắc bộ, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Đây là LVS lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống [1].