Tóm tắt thông tin: khu công nghiệp sinh thái là một động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; tạo động lực hỗ trợ các dự án phát triển của địa phương về: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển nhà ở, cải tạo và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật,... Dựa trên kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, Đề tài đã Hướng dẫn trình tự thực hiện tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Hướng dẫn bao gồm 5 bước cụ thể: Xác định chủ thể thực hiện tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Đánh giá thực trạng, tiềm năng tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Lập kế hoạch tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường; Tổ chức triển khai kế hoạch tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp; Giám sát, cải tiến việc thực hiện kế hoạch tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường của khu công nghiệp. Ngoài ra, hướng dẫn cũng xác định danh mục chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể tái sử dụng.
Đề tài cũng xác định nhóm các giải pháp nhằm thực hiện liên kết cộng sinh công nghiệp về quản lý/tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam bao gồm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái sử dụng chất thải; vai trò, sự tham gia của các bên liên quan và cơ chế phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai; các giải pháp đào tạo, truyền thông về quản lý/tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường...
Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất bằng cách tái sử dụng chất thải. Các khu công nghiệp sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ chia sẻ chi phí cho các dịch vụ chung: quản lý chất thải, đào tạo nhân lực, nguồn cung cấp và hệ thống thông tin môi trường cùng các dịch vụ hỗ trợ khác.
1. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
2. Thành viên thực hiện:
TS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
ThS. Hoàng Thị Hiền
TS. Nguyễn Trung Thắng
TS. Hoàng Hồng Hạnh
ThS. Dương Thị Phương Anh
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà
ThS. Vũ Thị Thanh Nga
ThS. Nguyễn Trung Thuận
ThS. Bùi Thị Phương
ThS. Nguyễn Trường Huynh
3. Thời gian thực hiện: 24 tháng (Từ tháng 01/2023 đến tháng 12/2024)
4. Mục tiêu:
- Đánh giá thực trạng sản xuất, quản lý môi trường trong khu công nghiệp hiện hữu và khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam;
- Đánh giá thực trạng tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hiện hữu và khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam;
- Dự báo khả năng tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam;
- Đề xuất hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
5. Nội dung thực hiện:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế về tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp sinh thái.
- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.
- Đề xuất hướng dẫn kỹ thuật tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
- Đánh giá tác động của hướng dẫn kỹ thuật tái dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường trong khu công nghiệp hướng tới chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
- Xây dựng báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt đề tài.