Tuy nhiên, bên cạnh các thành công thì Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc, đặc biệt là sự xuống cấp của chất lượng môi trường. Ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đang diễn ra gay gắt với mức độ phức tạp ngày càng gia tăng, làm thiệt hại lớn về kinh tế và gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về xử lý chất thải và cải thiện môi trường ngày càng cao, đòi hỏi cần có những bước phát triển mới trong lĩnh vực dịch vụ môi trường. Thực tế cho thấy, năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp, khu vực tư nhân tham gia chưa nhiều, chỉ mới phát triển ở các thành phố lớn. Trước đây, các hoạt động làm sạch, khôi phục môi trường và bảo vệ tài nguyên được xem là những dịch vụ công, do chính phủ cung cấp. Điều này một phần là do cá nhân mỗi doanh nghiệp thường không có đủ điều kiện về vốn để đầu tư, cũng như không có động lực lợi nhuận để tiến hành cung cấp dịch vụ. Nhưng hiện nay, do gánh nặng đối với ngân sách ngày càng lớn, cộng với một thực tế là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, các chính phủ đã tìm cách xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ môi trường và tạo ra các cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với quá trình phát triển của khoa học và công nghệ môi trường, sự gia tăng nhu cầu xử lý ô nhiễm môi trường ở các nước, tự do hoá thương mại dịch vụ, cung cấp dịch vụ môi trường qua biên giới ngày càng phát triển. Dịch vụ môi trường đã dần dần được coi là một ngành trong thương mại dịch vụ quốc tế.
Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về môi trường, đặc biệt là trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với nhiều cam kết mở cửa thị trường trong nước, trong đó có dịch vụ môi trường. Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường dịch vụ môi trường trong hầu hết các phân ngành dịch vụ môi trường của WTO như Dịch vụ xử lý nước thải (CPC 9401); Dịch vụ xử lý rác thải (CPC 9402); Dịch vụ làm sạch khí thải; Dịch vụ xử lý tiếng ồn (CPC 94050); Dịch vụ đánh giá tác động của môi trường (CPC 94090). Cơ hội này đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ môi trường nói riêng trước những cơ hội và thách thức rất lớn.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và dịch vụ môi trương nói riêng. Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường dịch vụ môi trường phát triển như các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, v.v… Việt Nam cũng đã sửa đổi và bổ sung một số Luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật phù hợp với các quy định quốc tế, đặc biệt là WTO nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường và Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, cung ứng hàng hoá và dịch vụ môi trường theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong bối cảnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách TNMT đã đề xuất dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” lên Ban Chỉ đạo Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Hậu WTO (gọi tắt là Chương trình BWTO).
Trên cơ sở thông báo chấp nhận tài trợ Dự án của Ban Chỉ đạo Chương trình BWTO tại văn bản số 28/BCĐ-VP ngày 8 tháng 12 năm 2009; và Quyết định số 2557/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ TNMT về việc phê duyệt nội dung văn kiện Dự án;… Chiều ngày 07 tháng 01 năm 2010, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận tài trợ. Tham dự buổi lễ có Đại diện Ban Quản lý Quỹ Tín thác Đa biên, Ông Nguyễn Văn Long, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình BWTO và đại diện Ban Quản lý các Dự án được chấp nhận tài trợ của Chương trình. Ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TNMT đã ký văn bản thỏa thuận tài trợ Dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; thời gian thực hiện Dự án là 02 năm; kinh phí thực hiện Dự án sẽ được phê duyệt cụ thể theo từng năm; theo thỏa thuận tài trợ, kinh phí thực hiện cho năm đầu tiên (năm 2010) là 199.432USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Chương trình BWTO, Dự án được xây dựng phù hợp với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ nhằm hỗ trợ tăng cường thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực dịch vụ công. Kết quả của dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực dịch vụ môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển dịch vụ môi trường có kế hoạch, định hướng phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, các cam kết quốc tế, đặc biệt là WTO.
Ban Tổng hợp