Ngày đăng:
01 | 04 | 2010
Từ 10 – 12/3/2010, Hội thảo khu vực dành cho đầu mối của GEF đã được tổ chức tại Hà Nội . Hội thảo là một trong các hoạt động do Chương trình Hỗ trợ các quốc gia (Country Support Programme - CSP) tổ chức.
Đây là sự kiện quan trọng của GEF với sự tham gia của 27 đầu mối GEF đến từ 13 quốc gia châu Á, Ban thư ký, các cơ quan thực hiện của GEF, Văn phòng Đánh giá GEF, CSP và một số quan sát viên cũng như thành viên của mạng lưới tổ chức phi chính phủ của GEF. Mục đích của Hội thảo nhằm: (i) cập nhật các chính sách mới trong chu kì hoạt động GEF-5; (ii) trình bày phát hiện và khuyến nghị của Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động chu kỳ 4 (OPS-4) và (iii) chia sẻ các kinh nghiệm triển khai dự án GEF trong khu vực.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã đánh giá cao vai trò của GEF trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Trong suốt 18 năm hoạt động, GEF đã mở rộng các hoạt động tới 180 quốc gia. Hỗ trợ của GEF trong 6 lĩnh vực ưu tiên đã đem lại nhiều lợi ích môi trường toàn cầu thông qua việc thiết lập khung thể chế và chính sách quản lí môi trường toàn cầu, giúp xây dựng năng lực quốc gia để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, thúc đẩy việc lồng ghép các chương trình môi trường toàn cầu với các hoạt động phát triển bền vững. Việc triển khai các dự án GEF đã đóng góp to lớn nhằm giảm các nguy cơ của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn phá hủy tầng ozon, bảo vệ các vùng nước quốc tế và ngăn chặn thoái hóa đất.

Trong các phiên họp chính thức, Hội thảo đã trình bày các phát hiện của Nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động trong giai đoạn GEF 4; chia sẻ các bài học kinh nghiệm về điều phối dự án GEF cấp quốc gia; cập nhật các chính sách mới trong giai đoạn 5 và đánh giá các thách thức trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thoái hóa đất.
Kết luận tại Hội thảo, đại diện của Ban Thư kí, ông William Ehlers đã tóm tắt lại các vấn đề môi trường toàn cầu cấp thiết mà các quốc gia trong khu vực châu Á cần tập trung giải quyết. Ông William cũng chỉ rõ các công việc cần được thực hiện trong thời gian tới nhằm đạt được nhiều hơn nữa các lợi ích môi trường toàn cầu.
Trong ngày thứ 3 của Hội thảo, các đại biểu đã nhiệt tình tham gia chuyến thực địa, thăm quan các mô hình lò gạch và lò gốm sứ của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” (dự án PECSME, do GEF và UNDP tài trợ) tại tỉnh Hải Dương và làng Bát Tràng, Hà Nội. Các đại biểu đã đánh giá cao thành tựu của dự án trong việc áp dụng những công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các nước trong khu vực châu Á.
Phòng Hợp tác quốc tế