Ngày đăng:
29 | 06 | 2010
Từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 6 năm 2010, Trung tâm Hoạt động Môi trường (EOC) – Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức Cuộc họp thường niên
của Nhóm công tác Môi trường lần thứ 16. Cuộc họp có sự tham dự của ADB, EOC và đại diện của nhóm công tác về môi trường (WGE) của các nước tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS). Tham dự cuộc họp còn có đại diện của các nhà tài trợ và đối tác phát triển bao gồm: Đại sứ quán Phần Lan, Thụy Điển, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ủy ban sông Mêkông (MRC), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), dự án Hợp tác môi trường Châu Á (ECO-Asia), Winrock và các đối tác khác.
Phát biểu khai mạc tại Cuộc họp thường niên của Nhóm công tác môi trường lần thứ 16, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã đánh giá cao những đóng góp có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của các nước GMS. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng giữa các nước GMS đã tác động không ít tới môi trường, bao gồm suy giảm đa dạng sinh học, đất ngập nước và các hệ sinh thái. Làm thế nào để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường chính là ưu tiên cao nhất mà các nước đặt ra. Chương trình Môi trường trọng điểm/ Sáng kiến Hành lang đa dạng sinh học (CEP/BCI) đã có những đóng góp thành công trong các hoạt động về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở GMS thông qua 4 hợp phần (i) Đánh giá môi trường chiến lược, (ii) Đánh giá hiệu quả hoạt động môi trường, (iii) Sáng kiến Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học và (iv) Tăng cường năng lực.

Trong các phiên họp chính thức, cuộc họp đã trình bày về tiến độ của CEP/BCI trong giai đoạn I; thảo luận khung kế hoạch cho giai đoạn II, bao gồm khung giám sát và đánh giá và đưa ra Nghị quyết của Nhóm công tác Môi trường trong giai đoạn tới.
Kết luận tại Cuộc họp, thay mặt nước chủ nhà, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Tài đã khẳng định lại cam kết hợp tác của các nước GMS để giải quyết các vấn đề trong khu vực và quốc gia. Các nước GMS đồng thuận tiếp tục tập trung vào ba ưu tiên chính: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển nông thôn, hướng tới các hoạt động phát triển kinh tế bền vững và giảm nghèo của CEP/BCI.
Phòng Hợp tác quốc tế