TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Giám đốc dự án và Ông Rajiv Garg - Đại diện của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã khai mạc và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện Ban Quản lý dự án, đại diện của các Bộ, ban ngành liên quan, Viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức phi chính phủ.
Tại Hội thảo, đại diện của UNEP giới thiệu tới các biểu tham dự về Chương trình “Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng” trên quy mô toàn cầu. Kết quả thực hiện Chương trình này tại nhiều nước cho thấy việc loại bỏ dần đèn chiếu sáng không hiệu quả là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tác động môi trường của chiếu sáng (tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ toàn cầu), đồng thời sử dụng đèn hiệu quả sẽ giảm phát thải CO2 và ô nhiễm thủy ngân từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (năng lượng sử dụng giảm 5 lần). Chuyên gia UNEP cũng đã dành thời gian trao đổi sâu về Phương pháp tiếp cận chính sách thích hợp, đây có thể coi là chìa khóa để đạt được thành công.
Tiếp theo chương trình Hội thảo, đại diện Ban quản lý Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đã có bài giới thiệu chung về Dự án. Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), được Chính phủ chính thức phê duyệt và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện dự án – Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ là đơn vị đầu mối. Các cơ quan phối hợp thực hiện dự án gồm: Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty sản xuất bóng đèn dây tóc (Ils) và bóng đèn tiết kiệm điện (ESLs) tại Việt Nam. Dự án được thực hiện trong 04 năm, từ năm 2012 đến năm 2015.

Mục tiêu dài hạn của dự án là giảm phát thải khí nhà kính thông qua chuyển đổi việc sử dụng bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam.
Mục tiêu ngắn hạn của dự án bao gồm:
- Tăng cường năng lực cho ngành công nghiệp sản xuất bóng đèn trong nước thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất bóng đèn sợi đốt sang sản xuất bóng đèn tiết kiệm năng lượng nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường;
- Tăng cường và hài hòa các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm bóng đèn tiết kiệm năng lượng để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường năng lực kiểm định sản phẩm;
- Giáo dục và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để thúc đẩy chuyển đổi thị trường tiết kiệm năng lượng;
- Tăng cường hệ thống thể chế và chính sách để hỗ trợ, khuyển khích và giám sát việc sản xuất, tiêu thụ và sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng ở thị trường nội địa phù hợp với các quy định về môi trường.
Dự kiến Dự án sẽ đạt được một số kết quả như sau:
1. Chuyển đổi thành công việc sản xuất bóng đèn dây tóc IL và cải thiện chất lượng sản xuất ESL trong nước với giá hợp lý;
2. Tiêu chuẩn, quy trình cho các sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam được củng cố và hài hòa, đảm bảo dự phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và quốc tế;
3. Tăng niềm tin của người tiêu dùng về lợi ích của ESLs, tăng doanh số bán ra của ESLs và giảm doanh số bán ra của Ils;
4. Hệ thống chính sách và thể chế có khả năng hỗ trợ và giám sát loại bỏ quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng IL và tăng tính sẵn có của ESLs chất lượng cao trên thị trường nội địa.
Sau khi nghe Ban Quản lý Dự án giới thiệu về Dự án và tổng quan kế hoạch hoạt động năm 2012, các đại biểu tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến việc hoàn thiện kế hoạch triển khai dự án, đồng thời cũng trao đổi khả năng hợp tác trong quá trình triển khai dự án.

Kết thúc hội thảo, đại diện UNEP và Ban Quản lý Dự án cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia nghiên cứu và các bên liên quan để có thể triển khai thực hiện thành công Dự án, góp phần bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Văn phòng Viện