Tuy nhiên đặc trưng cơ bản của quá trình phát triển kinh tế các nước GMS chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức trong các thập niên vừa qua cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, phá hủy các hệ sinh thái quan trọng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực và diễn biến khó lường, các thách thức càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững và tạo ra các nguy cơ, rào cản lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo khi sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự nhiên. Khi sự thịnh vượng của mỗi quốc gia trong khu vực cũng như cả khu vực chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên - nguồn vốn tự nhiên thì sẽ dễ chịu “lời nguyền của tài nguyên” nếu nguồn vốn tự nhiên không được quan tâm đầu tư để duy trì và phát triển. Với mục tiêu đến năm 2020, GMS là một khu vực hội nhập, hài hòa và phát triển thịnh vượng, không đói nghèo và đa dạng sinh thái, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với trọng tâm đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên hiện được xem là cách tiếp cận quan trọng để hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, duy trì nguồn vốn tự nhiên ở các nước GMS.
Tiếp nối kết quả thành công của các hội nghị về tăng trưởng xanh tại Campuchia, diễn đàn Á-Âu về tăng trưởng xanh tại Hà Nội, diễn đàn tăng trưởng xanh quốc gia tại Myanmar, ngày 01-02 tháng 12 năm 2011, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường với sự hỗ trợ của Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban hợp tác Anh Quốc tổ chức hội thảo về tăng trưởng xanh cho sáu quốc gia GMS với chủ đề “Đầu tư vào vốn tự nhiên vì nền kinh tế xanh”.

Thứ trưởng Trần Hồng Hà (chính giữa) tham dự Phiên Khai mạc tại Hội thảo
Hội thảo đã qui tụ hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ/ngành của các quốc gia GMS, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia cao cấp tham gia trực tiếp vào quá trình hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh, bên cạnh đó là các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện của các tổ chức quốc tế như WWF, UNEP,ADB/EOC... và các đại diện cho khối doanh nghiệp, tư nhân, NGOs...

TS. Nguyễn Văn Tài phát biểu dẫn đề tại Hội thảo với tham luận
“Hướng đến nền kinh tế xanh: Con đường nào cho các quốc gia GMS”
Tại hội thảo, các bài tham luận khoa học và các phiên thảo luận đã đi sâu vào các vấn đề quan trọng, đó là: (i) Trao đổi, chia sẻ những nhận thức, định hướng chiến lược, lộ trình của mỗi quốc gia về tăng trưởng xanh; (ii) Thảo luận về những đặc trưng nguồn vốn tự nhiên của khu vực GMS, đặc biệt là các giá trị, tính kết nối liên vùng/quốc gia của các hệ sinh thái; làm rõ những vấn đề các quốc gia GMS đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi qua nền kinh tế xanh, chia sẻ các kinh nghiệm, thực tiễn tốt, những mô hình thành công trong việc đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên cũng như lồng ghép các giá trị tài nguyên trong quy hoạch, chiến lược phát triển; (iii) Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết lập các điều kiện cần thiết về tài chính, quản trị, sự phối hợp giữa các bên liên quan… để làm cơ sở nền tảng cho việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên, góp phần bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia và toàn khu vực; (iv) Cuối cùng là thảo luận về các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa khối công và tư và giữa các quốc gia, cũng như với các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, xây dựng nền kinh tế xanh trong khu vực GMS nhằm mục tiêu đạt được tăng trưởng bền vững.

Kết quả của Hội thảo này đã được tổng kết và dự kiến kết quả sẽ được báo cáo lên Hội nghị thượng đỉnh các nước GMS vào cuối tháng 12 năm 2011 tại Myanmar nhằm tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế khu vực, đưa nền kinh tế khu vực trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Rio +20 vào năm sau, năm 2012.