Ngày đăng:
09 | 11 | 2012
Ngày 09 tháng 11 năm 2012, với sự hỗ trợ của Viện Hanns Seidel Foundation - Cộng hòa Liên bang Đức (HFS), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) đã tổ chức Hội thảo Nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và khuyến nghị chính sách. TS. Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng ISPONRE và ngài Axel Neubert, Trưởng đại diện HFS tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

TS. Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Tài cho rằng, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững và đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tuy nhiên, phương thức tiếp cận việc làm giàu vốn tự nhiên, thực trạng các nguồn vốn tự nhiên ở Việt Nam, các lĩnh vực cụ thể cần được tập trung đầu tư và những chính sách, giải pháp phát huy nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy nền kinh tế xanh… là những nội dung cần được phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ hơn nữa trong điều kiện hiện nay. Hội thảo Nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và khuyến nghị chính sách là một cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết về vấn đề này, cụ thể là: (1) Các vấn đề lý luận liên quan đến nguồn vốn tự nhiên; (2) Mối quan hệ giữa phúc lợi con người và vốn tự nhiên; (3) Vốn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản, rừng) và vấn đề sử dụng, bảo vệ có hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế; (4) Đề xuất, khuyến nghị chính sách, giải pháp phát huy nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững ở nước ta.

Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia thuộc ISPONRE, Đại học Kinh tế quốc dân, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam... cùng các chuyên gia quốc tế đã trình bày nhiều nghiên cứu và đóng góp ý kiến thảo luận xoay quanh bốn nhóm vấn đề nêu trên.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế, là đại diện một số Bộ, ngành có liên quan; các chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học từ nhiều đơn vị nghiên cứu, trường Đại học; chuyên gia thuộc một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các cơ quan truyền thông.
Văn phòng Viện