
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu khai mạc sự kiện
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhận định, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường… Những thách thức này đòi hỏi phải có sự thay đổi nhận thức về mô hình phát triển nhằm giảm thiểu những tác động lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Để định hướng công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh và xu thế mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chiến lược dựa trên chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2001 - 2010, bổ sung những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là văn bản định hướng tổng thể và toàn diện về vấn đề bảo vệ môi trường để các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện 5 năm và hàng năm về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Văn Tàigiới thiệu nội dung chính của Chiến lược
Đại diện đơn vị đầu mối chủ trì soạn thảo Chiến lược, ông Nguyễn Văn Tài đã giới thiệu nội dung chính của Chiến lược và nhu cầu vốn thực hiện. Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải kiểm soát, hạn chế về cơ bản tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường; suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Các định hướng lớn cho công tác bảo vệ môi trường được đưa ra trong Chiến lược, bao gồm: (1) Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; (2) Cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái; đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; (3) Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (4) Xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Bốn định hướng này đều tập trung vào các nhóm nội dung cụ thể như giảm các nguồn hiện đang gây ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng môi trường không khí trong các khu đô thị, khu dân cư; sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững; nâng tỷ lệ che phủ của rừng và nâng cao chất lượng rừng; kiềm chế tốc độ, suy giảm số loài và số cá thể các loài hoang dã, suy thoái các nguồn gen quý, hiếm...
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012. Trước đó, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất và soạn thảo dự thảo Chiến lược.
Văn phòng Viện