Ngày đăng:
16 | 01 | 2014
Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Ban quản lý Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận tổ chức Hội thảo Chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp. TS. Nguyễn Trung Thắng, Giám đốc Dự án, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, chủ trì hội thảo.

TS. Nguyễn Trung Thắng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận, trường Đại học Cần Thơ, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Hội nông dân tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cùng khoảng 100 hộ nông dân trồng thanh long của tỉnh.
Để triển khai hoạt động chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp tại Bình Thuận, năm 2013 Dự án đã thí điểm hỗ trợ 3.300 bóng đèn compact chống ẩm cho 10 hộ gia đình trồng thanh long với quy mô 3 ha tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh phát biểu tại Hội thảo “Đến cuối năm 2013 toàn tỉnh có có 20.100 ha trồng thanh long, giá trị sản xuất thanh long đạt trên 4.250 tỷ đồng, chiếm 66,6% so với giá trị sản xuất của cây lâu năm và chiếm 33,3% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh. Cây thanh long không chỉ có ý nghĩa về kim ngạch xuất khẩu mà còn tạo ra việc làm, thu nhập và khả năng vươn lên làm giàu của hàng chục ngàn hộ dân trong tỉnh. Hội nông dân tỉnh luôn hướng tới việc đem lại lợi ích cho người nông dân đồng thời tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến rộng rãi những kết quả của các mô hình thí điểm, qua đó làm cho người dân hiểu rõ tác dụng, lợi ích thiết thực của việc sử dụng bóng đèn compact. Hội nông dân tỉnh hoàn toàn ủng hộ hoạt động của Dự án tại địa phương và mong muốn sự hợp tác của Dự án và Hội sẽ ngày càng phát triển.”
Đồng quan điểm với bà Tuyết, bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hoạt động thí điểm của Dự án tại các xã Hàm Cường, Hàm Kiệm được Lãnh đạo xã và người dân đánh giá cao. Sự hỗ trợ từ Dự án rất thiết thực đã giúp cho một số hộ tham gia mô hình không khả năng đầu tư, có cơ hội được sử dụng bóng đèn compact như những hộ khác. Sự hỗ trợ từ Dự án cũng đã giúp người dân tự tin hơn khi thực hiện việc chuyển đổi từ bóng đèn tròn sợi đốt sang bóng đèn compact.
Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Bé, Đại học Cần Thơ đã đề xuất một số giải pháp về công suất bóng đèn sử dụng để kích thích ra hoa trên cây thanh long đồng thời tăng cường tiết kiệm điện. Ông Bé cũng cho biết việc sử dụng hoàn toàn bóng compact để xử lý ra hoa sẽ tiết kiệm được gần 5 triệu đồng/ha/chu kỳ xử lý.
Các đại biểu tham gia Hội thảo đánh giá việc chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang sử dụng đèn compact trong chiếu sáng nông nghiệp là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên do chi phí ban đầu mua bóng đèn khá lớn nên các hộ dân mong muốn nhà sản xuất có hỗ trợ giá mua đèn cho bà con nông dân. Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp một số giải pháp để cải thiện đui đèn phù hợp với mục đích sử dụng và ý tưởng chống mất trộm bóng đèn compact.
Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Giám đốc Dự án Nguyễn Trung Thắng cho rằng, hoạt động thí điểm của Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đối với một số hộ thanh long bước đầu đã cho kết quả rất đáng mừng, mong rằng quy mô sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng tại địa phương sẽ được tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo.
Ban Môi trường và Phát triển bền vững