Tham dự Hội thảo có đại diện Viện Chiến lược, Chính sách công nghiệp, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chiếu sáng như: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty Philips Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị Đô thị… cùng các viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan thông tấn báo chí quan tâm.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Hợp phần 2 của Dự án về nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thực trạng tái chế và xử lý an toàn bóng đèn huỳnh quang compact thải bỏ và đề xuất giải pháp thu hồi, xử lý bóng đèn huỳnh quang compact thải bỏ phục vụ xây dựng Thông tư hướng dẫn Quyết định 50/2013/QĐ/TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Giám đốc Dự án, việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ đang là thách thức đặt ra đối với một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 50/2013/QĐ/TTg về việc thu hồi và xử lý phế phẩm, đặc biệt là các sản phẩm điện tử thải bỏ. Theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi và xử lý được ban hành kèm theo Quyết định này, từ ngày 01/01/2015 sẽ thu hồi và xử lý ắc quy và pin các loại sản phẩm thải bỏ như: bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính, máy in, máy fax, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy điện thoại di động, máy tính bảng...
Bà Lloly Jana de Jesus, chuyên gia của Dự án đã trình bày kinh nghiệm quốc tế về quản lý và công nghệ tái chế và xử lý an toàn bóng đèn compact thải bỏ. Qua đó đã nêu được một số mô hình thu hồi và xử lý bóng đèn compact thải bỏ đang được các quốc gia như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan….áp dụng.
Cũng tại hội thảo, đại diện của Tổng cục Môi trường cho biết, việc quản lý chất thải nguy hại (CTNH) của các chủ xử lý CTNH khu vực phía Bắc là Urenco Hà Nội, Công ty Hòa Bình, Công ty TNHH Môi trường Xanh - Hải Dương, Công ty Hùng Hưng Môi trường xanh, Công ty Tân Thuận Phong thì bóng đèn huỳnh quang là loại CTNH được thu gom phổ biến, phát thải ở hầu hết các chủ nguồn thải với tổng khối lượng là 45.245 kg. Tính đến nay, Tổng cục Môi trường đã cấp Giấy phép quản lý CTNH cho 106 doanh nghiệp trên toàn quốc trong đó có 24 doanh nghiệp có trang bị thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải, các đơn vị này giữ vai trò chủ đạo trong công tác quản lý CTNH nói chung và bóng đèn huỳnh quang nói riêng trên toàn quốc thời gian qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, về vấn đề thu gom CTNH liên quan đến bóng đèn thải đạt kết quả rất thấp, việc xử lý chủ yếu thực hiện tại các cơ sở tư nhân, đối với các cơ sở hành nghề xử lý CTNH, công suất thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng bóng đèn phát sinh, kèm theo đó, công nghệ xử lý bóng đèn thải hiện có của Việt Nam chưa thực sự hiện đại, còn sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại CTNH…
Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, để xử lý hiệu quả chất thải bóng đèn tại Việt Nam, một mặt cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở cho việc xử lý chất thải bóng đèn. Mặt khác, thúc đẩy việc tái chế, tận dụng các vật liệu cấu thành bóng đèn huỳnh quang bằng cách thu gom, phân loại và tái chế theo yêu cầu; thúc đẩy phát triển công nghệ xử lý CTNH cả về số lượng và chất lượng.

Cùng với đó, để công tác bảo vệ môi trường thực hiện hiệu quả, cần thiết phải chú trọng đến vấn đề quản lý thị trường dịch vụ xử lý bóng đèn thải nhằm tránh cho doanh nghiệp những rủi ro, cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường của các đơn vị sản xuất.
Đại diện bốn nhà sản xuất bóng đèn lớn tại Việt Nam gồm Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty TNHH Một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị Đô thị và công ty Philips Việt Nam đã bày tỏ sự ủng hộ và cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về vấn đề thu hồi và xử lý bóng đèn compact thải bỏ khi được triển khai vào năm 2015.
Ban quản lý Dự án “Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam”