
Ông Nguyễn Duy Hùng – Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) - Chủ tịch Hội đồng
1.Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường” do PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng ISPONRE làm chủ nhiệm
Trước đây tiêu chí, chỉ số Phát triển bền vững được nghiên cứu và ban hành ở nhiều quốc gia, tuy nhiêu sau hơn 20 năm thực hiện, tính khả thi của bộ tiêu chí, chỉ số này còn thấp, chủ yếu vẫn dừng lại ở nhận thức. Kể từ sau Hội Nghị thượng đỉnh RiO+20 đã có sự nhìn nhận lại với sự đồng thuận cao của các nước để thực hiện phát triển bền vững, trước hết phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để đạt tới mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ. Nhìn chung, các tiêu chí, chỉ số liên quan đến kinh tế xanh đã được xây dựng và ban hành trên bình diện thế giới hầu hết có tính chất định hướng và đo lường trên phạm vi quốc gia; tập trung chủ yếu dựa trên cơ sở phát triển bền vững đã được hình thành từ trước đến nay.
Ở Việt Nam, đến nay đã có một số bộ tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được ban hành ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương. Bao gồm: bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường trong Chiến lược phát triển bền vững quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững địa phương, hệ thống các chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường; và các tiêu chí, chỉ số có liên quan được phản ánh trong các chiến lược cụ thể của các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Việc thực hiện nghiên cứu đề xuất Bộ tiêu chí kinh tế xanh áp dụng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời đảm bảo tính mới và có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở nước ta trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đảm bảo tính hiệu quả và bền vững có sức cạnh tranh trên thị trường khi mà nền kinh tế của nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng ISPONRE trình bày trước Hội đồng
2. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương pháp hạch toán tài nguyên nước mặt cho lưu vực sông và ứng dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đáy” của TS Lại Văn Mạnh – Phó Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) làm chủ nhiệm.
Sông Đáy có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh như: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua do tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh đã tạo ra nhiều sức ép về các vấn đề như: khai thác và sử dụng nước lưu vực sông thiếu kiểm soát; Vấn nạn ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Đáy ngày càng gia tăng mạnh. Mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu và đo lường và khía cạnh về dòng chảy, về khai thác và sử dụng, về môi trường đối với lưu vực sông Đáy. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện cả trên góc độ "hiện vật" và "giá trị tiền tệ" của tài nguyên nước trên lưu vực sông; chưa cung cấp được một phương pháp luận toàn diện để tính toán các chỉ tiêu về hiện trạng tài nguyên nước, hiệu quả sử dụng và các giá trị kinh tế của lưu vực sông Đáy. Do vậy, việc thử nghiệm phương pháp hạch toán tài nguyên nước trên lưu vực sông này là hoàn toàn mới, phù hợp và có khả thi.
Việc thực hiện nghiên cứu hạch toán tài nguyên nước theo lưu vực sông là phù hợp với các Quan điểm và mục tiêu của Đảng và có ý nghĩa trong việc góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong Luật Tài nguyên nước và của Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu và ứng dụng thử nghiệm để đề xuất phương pháp hạch toán tài nguyên nước mặt cho lưu vực sông là phù hợp với điều kiện của Việt Nam; việc ứng dụng trên lưu vực sông Đáy cũng là vấn đề mới và có ý nghĩa thiết thực cho công tác quản lý.

TS Lại Văn Mạnh – Phó Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) trình bày trước Hội đồng
An Bình