Ngày đăng:
27 | 01 | 2018
Ngày 27/01/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo khoa học do PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng chủ trì, nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề lý luận, thực tiễn, cách tiếp cận thực hiện và kinh nghiệm triển khai đề tài KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất xây dựng mô hình kinh tế xanh cấp xã lưu vực sông Lam”. Đây là đề tài nằm trong Chương trình KHCN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 về “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai”. Đề tài do TS Lại Văn Mạnh – Phó Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện làm chủ nhiệm. Mục tiêu tổng quát hướng đến của đề tài là cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất được các mô hình kinh tế xanh (KTX) ở lưu vực sông Lam, xây dựng và trình diễn một số mô hình KTX đặc thù cấp xã, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phát triển và nhận rộng các mô hình KTX cho các lưu vực sông ở Việt Nam.

Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì Hội thảo

TS Lại Văn Mạnh – Phó Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện làm chủ nhiệm đề tài
Mỗi một dòng sông có vai trò quan trọng trong tích và chuyển nước cùng với phù sa, nhiều loài thủy sản và mang theo đó một nguồn năng lượng quý báu cho sự phát triển. Bên cạnh đó, dọc theo sông và các phụ lưu kênh rạch của nó còn là địa bàn sinh sống của hàng ngàn người dân với nhiều ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy, mỗi một lưu vực sông sẽ chứa đựng những đặc trưng riêng về tự nhiên (khí hậu, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên), hệ sinh thái, đặc trưng về dân cư các dân tộc, các giá trị văn hóa, mối liên kết, các hoạt động kinh tế trên lưu vực… Như vậy, mỗi dòng sông luôn là khởi điểm, là yếu tố nền cho các hoạt động phát triển vùng cũng như phát triển ngành như: Nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch… Khai thác, phát huy được giá trị và chức năng của các dòng sông sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển bền vững của các địa phương, vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia.
Xuất phát từ các đặc thù của mỗi lưu vực sông, các ý nghĩa của kinh tế xanh (KTX) trong bối cảnh hiện nay - Bối cảnh của các khủng hoảng, xung đột, biến đổi khí hậu và các nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh năng lượng… thì việc tích hợp sáng kiến KTX để xây dựng và phát triển các mô hình KTX lưu vực sông không chỉ phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà còn góp phần rất lớn nhằm đạt được cùng một lúc nhiều mục tiêu của phát triển bền vững, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra về nhu cầu chính sách cũng như thực tiễn hiện nay.
Lưu vực sông Lam nằm trên lãnh thổ hai nước Việt Nam và Lào, tổng diện tích lưu vực là 27.200 km2. Phần diện tích lưu vực thuộc địa phận Việt Nam khoảng 17.900 km2. Lưu vực sông Lam được đánh giá là một lưu vực có nhiều giá trị về tài nguyên thiên nhiên, sinh thái và chứa đựng các đặc trưng nhân văn. Tuy nhiên, các áp lực từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông Lam được dự báo sẽ có những tác động rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên, sinh thái và con người trên lưu vực. Kết quả rà soát, đánh giá về các công trình nghiên cứu trên lưu vực sông Lam cũng còn rất hạn chế, tiềm năng của lưu vực sông chưa được khai thác để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho các địa phương .Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất xây dựng mô hình kinh tế xanh cấp xã lưu vực sông Lam” là phù hợp, cần thiết.


Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý
An Bình