Ngày đăng:
31 | 05 | 2019
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới. Ngày 31/5/2019, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2019, chủ đề: “Ô nhiễm không khí và hành động chúng ta”. Tham gia Hội thảo có ông Michael Parson - Cố vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Tạ Ngọc Sơn - Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện.
Tại Hội thảo, ông Michael Parson đã có bài trình bày về "Thực trạng và giải pháp về ô nhiễm không khí đô thị tại Trung Quốc". Việc chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua mang lại giá trị kinh tế to lớn cho người dân, nhưng cũng khiến môi trường tại quốc gia này trở nên ô nhiễm trầm trọng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhẫn dẫn đến tình trạng trên là do từ nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng, mà không quan tâm đến khía cạnh môi trường. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại hầu hết các đô thị lớn vượt nhiều lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người dân Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới các chính sách và cam kết của Chính phủ trong việc BVMT.


Ông Tạ Ngọc Sơn - Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội trình bày tại Hội thảo vấn đề “Kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: thực trạng và giải pháp”. Qua đây, các nghiên cứu viên của Viện thu thập được nhiều thông tin dữ liệu cụ thể về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các nguồn ô nhiễm không khí khu vực đô thị chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất nội đô, sinh hoạt, xử lý rác thải... Trong đó, khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất với các khí thải chủ yếu như: SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM10, PM2,5). Ngoài ra, các nguồn ô nhiễm lớn nằm ngoài khu vực đô thị như nhà máy điện, nhà máy sản xuất thép, vật liệu xây dựng, khí thải của nhà máy nhiệt điện. Đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn thành phố nhưng nhìn chung để giải quyết vấn đề, công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của chính quyền các cấp, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội và cộng đồng.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Để từng bước giải quyết vấn đề này, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

An Bình
“Kiểmsoát ô nhiễmkhôngkhítạiHàNội: thựctrạngvàgiảipháp”