Ngày đăng:
02 | 07 | 2019
Ngày 02/7/2019, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn về Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Việc xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040 nhằm nâng tầm vị thế và vai trò của ngành TN&MT trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Hội thảo do Viện trưởng - PGS TS Nguyễn Thế Chinh chủ trì, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực TN&MT.
Trong pham vi dự án này, Chiến lược quốc gia về phát triển ngành tài nguyên và môi trường được hiểu là Chiến lược tổng thể, định hướng cho việc quản lý tài nguyên và môi trường quốc gia bao gồm quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với những tác động của BĐKH đến hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, dự án này sẽ khảo sát, đánh giá cả chủ thể quản lý (các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường- bộ máy tổ chức; hệ thống pháp luật; công tác thanh tra kiểm tra) và đối tượng quản lý (tài nguyên thiên nhiên - đầu vào quan trọng của nền kinh tế và môi trường- nơi tiếp nhận đầu ra hay chất thải của nền kinh tế), nhằm đưa ra được những định hướng phát triển cho cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Việc tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường (bao gồm cả BĐKH) được thực hiện cho giai đoạn từ khi thành lập Bộ TN và MT (2002) đến nay. Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040 sau khi được phê duyệt sẽ cung cấp các định hướng về mô hình tổ chức, cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến 2030, tầm nhìn đến 2040 theo hướng hiệu quả, hiệu lực và phù hợp bối cảnh mới, áp dụng những công nghệ hiện đại từ cách mạng 4.0 và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (Agenda 2030).
Nội dung của dự án bao gồm: tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng phát triển ngành tài nguyên và môi trường ở Việt Nam từ giai đoạn 2002 -2018; thành tựu đạt được, tồn tại, bất cập và phân tích nguyên nhân tồn tại, bất cập trong quá trình xây dựng, phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn vừa qua; Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, cung cấp các bài học kinh nghiệm cho việc đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam (cơ chế, mô hình quản lý) trong giai đoạn tới; Đề xuất định hướng các nội dung của Chiến lược quốc gia phát triển ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030, định hướng đến 2040 trên cơ sở phân tích, đánh giá và dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế; Tổ chức xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành TN & MTđến năm 2030, tầm nhìn 2040.
Dự kiến dự án thành công đem lại lợi ích về kinh tế, tài chính, lợi ích về xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống trong lành, ngoài ra, còn nâng cao hiệu quả công tác quản lý về TN & MT phù hợp với bối cảnh phát triển mới của nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, các-bon thấp và hội nhập quốc tế hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam.

Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung phát biểu tại Hội thảo


An Bình