Ngày đăng:
08 | 12 | 2020
Ngày 8/12/2020, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong hệ thống pháp luật chuyên ngành”. Đây là vấn đề mang lại cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Quốc Gia do TS Mai Thanh Dung làm chủ nhiệm đã thu hút các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành đến dự và đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu. Hội thảo do Phó Viện trưởng – TS. Mai Thanh Dung chủ trì.

Hệ thống pháp luật về môi trường trong thời gian qua đã được xây dựng và ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT). Bên cạnh các quy định pháp luật bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì trình hoặc tự ban hành, các yêu cầu về bảo vệ môi trường còn được quy định ở nhiều luật khác nhau (như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Xây dựng.v.v).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân của thực trạng được nhận định là do “Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của nhiều cấp chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng còn yếu kém. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Nhiều quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không được sửa đổi, bổ sung kịp thời; thực thi pháp luật chưa nghiêm. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Hệ thống tổ chức quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bộc lộ nhiều yếu kém trong chỉ đạo, điều hành; đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Yêu cầu bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình hoạch định chính sách; nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp. Để cải thiện tình trạng này, các yêu cầu bảo vệ môi trường cần được quy định trong hệ thống pháp luật chuyên ngành là hết sức cần thiết.


An Bình