Trong khuôn khổ hợp tác, ngày 08/12/2020, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng đã chủ trì Hội thảo. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đại diện các Bộ/ngành, các tổ chức phát triển và các cơ quan nghiên cứu.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Đại diện ISPONRE phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã nhấn mạnh đến thói quen dùng sản phẩm nhựa trong đời sống con người và những tác hại nghiêm trọng của nó đối với môi trường. Trong cuộc sống, các sản phẩm tự nhựa, ni-lông đã mang lại không ít tiện ích và trở thành một phần không thể thiếu. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới, góp phần tạo ra 8 triệu tấn rác thải nhựa trên các đại dương mỗi năm. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Tuy nhiên, rác thải nhựa với đặc tính của mình đã và đang gây hại cho môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và các loài động vật.

Ông Michael Siegner - Đại diện HSF phát biểu tại Hội thảo
Có thể thấy ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, ni-lông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết cần giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và ni-lông khó phân hủy.
Thông qua 3 tham luận được trình bày về những vấn đề cụ thể như: (1) Tổng quan hệ thống chính sách pháp luật về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam (TS. Kim Thị Thúy Ngọc, ISPONRE); (2) Quản lý chất thải nhựa trong ngành tài nguyên và môi trường: các hoạt động đang triển khai và kế hoạch hoàn thiện văn bản pháp luật (Ông Nguyễn Thành Lam, Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường); (3) Quản lý chất thải nhựa trong ngành thủy sản: các hoạt động đang triển khai và kế hoạch hoàn thiện văn bản pháp luật (Bà Cao Lệ Quyên, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản); (4) Chia sẻ thông tin về quản lý chất thải nhựa tại Hà Nội: các hoạt động đang triển khai và kế hoạch hoàn thiện văn bản pháp luật (Bà Nguyễn Thị Hưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận vè những vấn đề liên quan.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải nhựa nói riêng như ban hành các chính sách, quy định về chất thải nhựa. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ngày 28 tháng 10 năm 2020).
Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” tổ chức nhằm mục đích (i) đánh giá hệ thống chính sách về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam; (ii) rà soát khung chính sách về quản lý rác thải nhựa trong các lĩnh vực khác nhau; (iii) đồng thời xác định các lĩnh vực cần hoàn thiện khung chính sách về quản lý rác thải nhựa trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:



Ngọc Anh