“Phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Việt Nam” là nội dung cuộc hội thảo do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện Chính sách, chiến lược phát triển Nông nghiệp-nông thôn (Ipsard) và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) tổ chức ngày 7/9/2011 tại Hà Nội.
Ông Tạ Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cho biết, thống kê ở Việt Nam có đến 993 sản phẩm đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển chỉ dẫn địa lý (CDDL) cho từng sản phẩm đang được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, vì khi CDDL của sản phẩm nào đó được thừa nhận và biết đến rộng rãi, sẽ là phương tiện hữu hiệu giúp nâng cao giá bán, cải thiện thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm. “CDĐL được bảo hộ khi gắn lên sản phẩm được coi như một chứng chỉ bảo đảm rằng sản phẩm có nguồn gốc tại vùng địa lý nhất định, có chất lượng, có danh tiếng… khác với sản phẩm cùng loại ở các vùng khác. Đồng thời cũng là cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có quyền sử dụng CDĐL, ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép CDĐL”- ông Minh khẳng định.
Trải qua 10 năm phát triển CDDL, đến nay số lượng CDDL được đăng ký bảo hộ chưa nhiều, mới chỉ có tất cả 23 CDDL được cấp chứng nhận. Trong số đó chỉ một số CDĐL có được hệ thống quản lý và kiểm soát trên thực tế; hoạt động quản lý cũng chưa thực sự có hiệu quả như mong muốn. Một số CDDL sau khi được đăng bạ, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh loại nông sản đó lại không có nhu cầu sử dụng CDDL. Chẳng hạn như “Thanh long Bình Thuận” được xuất khẩu rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp lại không sử dụng nhãn CDDL Thanh long Bình Thuận trên các lô hàng sản phẩm xuất khẩu để đưa chỉ dẫn này thành yếu tố thương mại.
Đến từ tỉnh Yên Bái, ông Hà Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết năm 2010 sản phẩm quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ CDĐL. Do giá trị truyền thống của sản phẩm sau khi được bảo hộ CDĐL tạo ra sản phẩm tăng rõ rệt nên mức độ làm giả sản phẩm cũng ngày càng gia tăng. Tình trạng đưa quế chất lượng kém, giá “bèo” từ nơi khác về tiêu thụ đã xuất hiện gây thiệt hại kinh tế cho các cơ sở kinh doanh của địa phương và khó khăn cho cơ chế kiểm soát, mất uy tín của sản phẩm mang CDĐL… “Chúng tôi đề nghị Trung ương sớm ban hành những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng CDĐL để trục lợi, tăng cường giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên ngành để quản lý và phát triển CDĐL đã được công nhận”, ông Anh đề xuất.
Ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KHCN Nam Định) cho hay, Nam Định có sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu được bảo hộ CDĐL. Hiện Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu được cấp quyền sử dụng CDĐL nhưng Hội thực chất là một tổ chức kinh tế, không phải là tổ chức nghề nghiệp, kinh nghiệm tổ chức quản lý SX cũng như kinh doanh yếu…
Mặc khác, do đặc điểm gạo tám xoan Hải Hậu chỉ SX-KD trong thời gian khoảng 6 tháng nên hoạt động không thường xuyên. Quy trình thâm canh khá phức tạp do tám xoan là giống lúa dài ngày lại trồng trong vùng lúa ngắn ngày. Khi lúa ngắn ngày cần rút nước giai đoạn chín thì lúa tám cần nhiều nước để trổ thoát bông. Vì thế gạo tám xoan bị khô, chất lượng thấp. “Nếu chỉ cấp quyền sử dụng CDĐL cho Hiệp hội tám xoan Hải Hậu thì việc khai thác CDĐL sẽ hạn chế, còn cấp cho hộ nông dân thì không thể kiểm soát được các tiêu chí theo quy định. Còn để HTX NN sử dụng thì thuận lợi nhưng lại khó khăn về vốn SXKD…”- ông Nam băn khoăn.
Theo PGĐ Sở KHCN Bắc Giang Nguyễn Văn Xuất, nhờ vào danh tiếng được bảo hộ, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của tỉnh đã góp phần tăng giá trị SX từ 450 tỷ (năm 2007) lên 800 tỷ (năm 2011) từ loại quả này. Tuy nhiên nhận thức của các chủ thể có quyền sử dụng CDĐL chưa đầy đủ và sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc VAAS cho hay, giai đoạn đầu 2001-2005 mới có 2 sản phẩm đầu tiên được bảo hộ CDĐL là nước mắm Phú Quốc và chè Mộc Châu. Từ năm 2005 đến nay có thêm 21 sản phẩm nữa được CDĐL. Tuy nhiên một vấn đề nảy sinh hiện nay là: mỗi loại nông sản sau khi được bảo hộ thì số lượng sản phẩm mang tên đó tăng lên đột biến, nhưng giá bán chỉ tăng lên trong giai đoạn đầu, sau đó giá bán sản phẩm lại giảm mạnh. CDDL của một sản phẩm luôn gắn với một vùng địa lý nhất định, có chung đặc trưng về mặt khí hậu, thời tiết, đất đai, quy trình sản xuất, tính chất bản địa tạo nên giá trị rất đặc trưng của từng sản phẩm.
Trước đây ta chủ yếu chú trọng đến các biện pháp kỹ thuật để phát triển sản phẩm mà ít bàn thảo về việc quản lý, chính sách cho nhóm sản phẩm được cấp văn bằng này. Hiện nhiều sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL đang bị sử dụng trái phép. Cụ thể nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường, thậm chí ở Thái Lan cũng SX nước mắm Phú Quốc. Thương hiệu bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ đã được CDĐL nhưng giống quý này được trồng khắp nơi cũng lấy tên “bưởi Đoan Hùng”. Thứ quả đặc sản tiến vua được bày bán ngay đất Phú Thọ gọi là “bưởi Đoan Hùng” chưa chắc đã là bưởi “xịn”…
Rõ ràng việc quản lý CDĐL còn nhiều bất cập. Việc chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia SX không mặn mà bảo hộ, làm mất đi giá trị sản phẩm. Chúng ta không ngăn cấm đưa các sản phẩm có các đặc tính tốt để nông dân ở nhiều nơi cùng phát triển, nhưng đã là sản phẩm được bảo hộ CDDL thì đó phải là sản phẩm có xuất xứ tại một địa phương, mang tính đặc hữu địa phương, và phải được bảo hộ khi sản phẩm tham gia vào thị trường xuất khẩu thế giới. Việc chúng ta không có chế tài, không có các thể chế quản lý và sự phân cấp rõ ràng, đã đã làm cho những người tham gia vào sản xuất các sản phẩm đăng bạ không mặn mà với sản phẩm đó nữa.
Để phát triển CDDL thực sự phát huy tác dụng, thúc đẩy giá trị gia tăng cho sản phẩm, Nhà nước cần phải hoàn thiện pháp luật về quản lý CDDL, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh. Nhà nước cũng Cần hỗ trợ các DN gắn tem, nhãn CDDL lên các sản phẩm khi đưa vào hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn, tạo tiền đề cho chiếm lĩnh thị trường nội địa.
- Chu Khôi - VnEconomy