TIN TỨC-SỰ KIỆN

Bão số 3 tàn phá Bắc Trung Bộ

Ngày đăng: 25 | 08 | 2010

AGROINFO - Đầu giờ chiều qua, bão số 3 đã áp sát đất liền tại các tỉnh Bắc Trung Bộ gây mưa lớn. Tối qua, tâm bão đi vào địa phận của Nghệ An - Hà Tĩnh.

Chạy cùng bão

Sáng 24-8, UBND hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh có cuộc họp khẩn bàn phương án đối phó với bão số 3. Lúc 9 giờ sáng cùng ngày, lãnh đạo địa phương lệnh sơ tán gần 100.000 hộ dân thuộc các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò (Nghệ An); Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 11 giờ trưa, gió tại các vùng ven biển hai tỉnh nói trên mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9.

* Báo cáo ban đầu của BCĐ PCLB Hà Tĩnh, hơn 10.000 ha lúa hè thu bị ngập chìm trong nước, trên 1.000 ha cây lương thực ngắn ngày, rau màu, cây ăn quả bị ngập và hư hỏng nặng. Một số huyện ở Hà Tĩnh có lượng mưa gần 200mm, nhiều địa bàn bị ngập úng. Hà Tĩnh đã có 1 người chết, bốn người bị thương do bão số 3.

* Theo GĐ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ Trịnh Thanh Sơn, bão số 3 tấn công trực diện vào huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An) gây mưa to gió lớn. Vùng tâm bão đi qua, gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11, cấp 12. Lượng mưa đo được tại Vinh chiều qua lên tới 300mm; Quỳnh Lưu: 70mm; Cửa Lò: 279mm. Đến 21 giờ tối qua tại TP Vinh có mưa rất to. Các tuyến đường nội thành bị ngập úng, giao thông tê liệt. Điện cúp từ trưa đến suốt đêm 24-8. Tại đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, cây cối đổ ngổn ngang.

Bão số 3 đổ bộ vào đất liền lúc triều cường, khiến nước biển dâng cao, biển động dữ dội. Chưa đầy 1 giờ sau khi bão quét qua vùng ven biển Nghệ An, đảo Lan Châu (Cửa Lò) bị cô lập. Từng cột sóng cao tới 3-4m chia cắt hòn đảo này với đất liền. Tại đường Bình Minh, nhiều ki ốt bưu điện bị gió ném ra xa gần chục mét.

14 giờ, PV Tiền Phong theo đường từ Cửa Lò dẫn tới KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc), tiến về Diễn Châu, Quỳnh Lưu, đi vào tâm bão. Gió càng lúc càng mạnh. Mưa xối xả. Tầm nhìn hạn chế, xe bò từng đoạn. Dọc đường, cây cối xác xơ trụi lá, biển quảng cáo bị gió xé tơi tả.

Qua điện thoại, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu Võ Văn Dũng, cho biết: “Bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền. Đây là cơn bão lớn quét dọc bờ biển Bắc Trung Bộ, chưa lường trước được thiệt hại về người, tài sản. Đối phó với bão, huyện Quỳnh Lưu đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn”.

Chiều 24-8, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc về Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão. Đoàn cán bộ tỉnh bị mắc kẹt tại TX Cửa Lò do cây cối ngổn ngang mặt đường. Giao thông tê liệt.

15 giờ 30 phút, PV rời thị trấn Cầu Giát - huyện Quỳnh Lưu trở lại Vinh và thị xã Cửa Lò. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, QL 1A mờ mịt. Nhiều tài xế không dám cho xe vận hành trên đường vì gió to sợ lật xe. Dọc đường thiên lý đi qua cầu Cấm, xã Nghi Yên (Nghi Lộc), hàng trăm người đi xe máy bị gió xô ngã.

                                       Bản đồ đường đi của bão số 3

Lúc này, gió giật trên cấp 11, cấp 12. Hàng ngàn cây cổ thụ bật gốc, gãy ngang thân. Tại xã Diễn An (huyện Diễn Châu), nhà dân sát QL1 bị gió xô nghiêng. Một chiếc xe container bị gió lật úp tại huyện Nghi Lộc.

17 giờ 20 phút, bão số 3 tấn công TP Vinh, toàn thành phố tê liệt. Không ai dám ra đường vào thời điểm này vì sợ cây đổ. Điện cúp, trời chưa tối nhưng thành phố xám ngắt. Nhiều tuyến phố tại Vinh ngập nước, xe ô tô tuyến Bắc- Nam chết máy hàng loạt khi di chuyển qua tâm bão. Chợ, cửa hàng, nhà dân cửa đóng kín.

Giao thông ách tắc. Mạng điện thoại di động liên tục gián đoạn. Cũng thời điểm trên, tâm bão đổ bộ vào Quỳnh Lưu, Diễn Châu với gió giật trên cấp 11, cấp 12. Đuôi bão quét qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu.

Tàu chìm, nhà tốc mái

Trao đổi với PV Tiền Phong vào 20 giờ hôm qua, ông Nguyễn Đình Chi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Tính đến 18 giờ cùng ngày, bão số 3 tàn phá trên 48.000 ha lúa hè thu, trong đó 30.000 ha có khả năng mất trắng, một người dân ở xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) bị thương.

Tại huyện Quỳnh Lưu, địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất, hơn 600 nhà dân bị tốc mái, 15 nhà bị sập hoàn toàn, nhiều cây cối và cột điện bị gãy đổ. Một cháu trai 9 tuổi ở xã An Hòa, Quỳnh Lưu bị chết đuối.

                                 Bão số 3 đổ bộ vào nước ta

Tại xã Xuân Hòa, huyện Quỳnh Lưu, một tàu chở hàng trọng tải hơn 1 nghìn tấn đang gặp nạn. Hơn 2.200 tàu thuyền của ngư dân đã được đưa về neo đậu an toàn nhưng khả năng thiệt hại do va đập là không tránh khỏi!”.

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, mực nước đo được tính đến 17 giờ ngày 24-8: Quỳnh Lưu: 43,0 mm, Thanh Chương 81,0 mm, Nam Đàn 109 mm, Hòn Ngư 114, 0 mm, Cửa Hội 151 mm, Vinh 162,0 mm.

Tại huyện Nghi Lộc có 4 người dân bị thương, hơn 2.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng bão và bị tốc mái. Gần 600 hồ đập đã xuống cấp không an toàn nếu lượng mưa tiếp tục tăng. Một số điểm trên tuyến QL 48 đoạn qua Km 106+ 900 đoạn qua huyện Nghĩa Đàn và đoạn qua xã Châu Thắng, thuộc huyện miền núi Quỳ Châu bị sạt lở tuy la âm và tuy la dương gây ách tắc giao thông.

Nghi Xuân tan hoang

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất sau bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, tối qua, sau khi đổ bổ vào đất liền, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ sáng nay 25- 8, vị trí trung tâm áp thấp nằm trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/h). Tuy nhiên, do hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn, các địa phương đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cũng cho hay, do ảnh hưởng của bão, lũ trên các sông các tỉnh Bắc Trung Bộ đang dâng cao. Hôm nay, mực nước các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên báo động 2, vùng thượng nguồn có thể lên báo động 3, có khả năng gây lũ quét và ngập lụt với vùng ven sông. Riêng hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, lũ có thể xuất hiện vào ngày 27, 28-8 tới.

Phạm Anh

Gió giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn khiến hàng ngàn ngôi nhà ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh bị tốc mái. Hệ thống cột điện, cây cối gió quật ngã. Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Nghi Xuân cây cổ thụ bật gốc nằm chắn đường làm tắc nghẽn giao thông hơn 1 giờ đồng hồ. Toàn huyện Nghi Xuân mất điện.

Chiều 24-8, PV có mặt tại huyện Nghi Xuân, nơi được đánh giá là địa phương bị ảnh hưởng bão mạnh nhất ở Hà Tĩnh. Báo cáo nhanh từ UBND huyện vào 15 giờ cùng ngày, có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hệ thống đê điều tại xã Xuân Hội bị sóng dữ uy hiếp, cột ăng ten truyền hình cao 60m tại Xuân Thành gãy gục, trường THPT Nghi Xuân gió đánh tốc mái.

“Ngay từ đầu, huyện đã chuẩn bị sẵn cưa xăng, nhưng cây đổ quá nhiều nên chúng tôi phải huy động cả xe cẩu để giải phóng ách tắc”, ông Nguyễn Hiền Lương - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, PV có mặt tại đê Hội Thống, xã Xuân Hội, lúc này mưa rất lớn, cây đổ ngổn ngang chắn ngang đê, sóng biển đánh cao hơn 2 m, nước dâng cao uy hiếp thân đê, nhiều ngôi nhà nằm sát biển đã đóng cửa, mái tôn bị tốc nằm ngổn ngang ngoài đường, gió giật cấp 12.

Chủ tịch UBND Xuân Hội cho biết, xã đã di dời 220 người dân thôn Hội Thủy, nằm sát đê đến nơi an toàn. Cạnh xã Xuân Hội là xã Xuân Đan, toàn bộ mái trường tiểu học bị cuốn bay, máy tính, tài liệu hư hỏng nặng.

Chủ tịch UNBD Cương Gián cho biết, xã này có 5 trường học bị tốc mái, hơn 500 nhà dân bay ngói, đoạn đê qua thôn Song Nam bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn đê của thôn Đại Đồng đang tu sửa bị xói lở. Báo cáo ban đầu của huyện Nghi Xuân, bão số 3 làm hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm cột điện bị đổ, gãy. Thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tính đến 17 giờ ngày 24-8, tỉnh Thanh Hóa đã có 17.963 người di dời đến nơi an toàn. Tàu thuyền và lao động đi trên tàu đánh cá ngoài khơi của tỉnh cũng đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện nay, ngoài công tác đối phó với bão ở vùng ven biển, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục triển khai các phương án để đối phó khi lũ ống, lũ quét, sạt lở xảy ra ở khu vực miền núi.

Tại Quảng Bình, theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh Quảng Bình, đến 17 giờ chiều 24-8, toàn tỉnh có trên 3.000 ha lúa hè - thu bị ngập sâu trong nước, trong đó có nhiều diện tích có khả năng bị mất trắng.

Tuyến đường quốc lộ 12 A tại Km 138+100 tại địa bàn xã Dân Hóa bị sạt lở trên 10.000 m3, cầu Cha Lo 3 cũng trên tuyến Quốc lộ 12A bị ngập sâu trên 1 mét. Giao thông trên tuyến Quốc lộ 12A nối cửa khẩu Quốc tế Cha Lo và đường Hồ Chí Minh bị chia cắt.

Ngoài ra, các tuyến đường khác như Quốc lộ 15, Quốc lộ 16 có nhiều đoạn bị ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc. Đặc biệt tuyến đường vào đồng bào Rục của xã Thượng Hoá bị nước lũ chia cắt.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn, Quảng Bình đã tập trung triển khai việc di dời gần 1.000 hộ dân, với khoảng 5.000 nhân khẩu ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Mưa lớn vẫn đang tiếp diễn, nước các triền sông đang lên nhanh, nguy cơ lũ lụt trên diện rộng đang uy hiếp Quảng Bình trong những ngày tới. Đã có 2 người dân là Cao Văn Thiu (SN 1991) và Cao Văn Hoàng (SN 1979) ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa bị lũ cuốn trôi chưa tìm thấy tung tích.

Tại Thừa Thiên - Huế, đến chiều 24-8, mưa bão đã ngớt nhưng tuyến tỉnh lộ 4B từ Huế về huyện Quảng Điền vẫn còn bị lũ lụt chia cắt nhiều đoạn. Biển nước lũ trắng xóa nối tiếp nhau từ xã Hương Toàn, Hương Vinh ra đến Quảng Thành, Quảng An, Quảng Thọ, thị trấn Sịa, Quảng Vinh...

Do ảnh hưởng của bão số 3, tính đến chiều 24-8, toàn tỉnh TT- Huế có gần 3.000 ha lúa bị ngập nặng và có nguy cơ mất trắng, hơn 35 tấn thuỷ sản bị trôi theo mưa lũ, 11 người dân bị thương (trong đó có 5 trẻ em) do nhà sập và tốc mái, 1 người đi rừng bị chết do gặp mưa bão…

Phạm Khánh (Theo báo Tiền Phong)

NỘI DUNG KHÁC

Nông dân khát vốn - "Mồi ngon" của bọn tín dụng lừa đảo

25-8-2010

AGROINFO - Người thì cần ít tiền lo đám cưới cho con, người muốn sửa sang lại căn nhà, cần ít vốn mở rộng chăn nuôi, sản xuất, nghe truyền miệng nhau có một vài công ty cử cán bộ tín dụng đến tận xã, ấp, làm thủ tục cho vay vốn nhanh lẹ, lãi suất thấp (1,5%/tháng), thời hạn trả vốn đến 5 năm, mỗi hộ được vay từ 30 - 50 triệu đồng nên nhiều nông dân phấn khởi, mang “bằng khoán” nhà, đất thế chấp vay tiền.

Bộ giống lúa cải tiến ở ĐBSCL không có giống kháng bệnh lùn lúa cỏ, lùn xoắn lá

25-8-2010

AGROINFO - Ngày 24-8-2010, Hội đồng Khoa học TP Cần Thơ đã nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài “Nghiên cứu đánh giá tính kháng bệnh lùn lúa cỏ (LLC), lùn xoắn lá (LXL) và Tungro trên bộ giống lúa cho vùng ĐBSCL”, do Viện lúa ĐBSCL chủ trì, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Dư làm chủ nhiệm.

Đã có 26 tỉnh, thành xuất hiện dịch heo tai xanh

25-8-2010

AGROINFO - Theo Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 23-8-2010, cả nước đã có 26 tỉnh, thành dịch heo tai xanh chưa qua 21 ngày.

Khu công nghiệp Công nghệ cao (AgroPark): Liên kết sản xuất với tiêu thụ

24-8-2010

AGROINFO - Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn làm nhiều, nhanh, bán rẻ, sang sản xuất chất lượng cao và sạch, phục vụ đô thị lớn và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng nông thôn mới từ thực tiễn ở Hải Dương

24-8-2010

AGROINFO - Hải Dương là tỉnh sớm có phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Tháng 6/2007, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt Đề án xây dựng quy hoạch phát triển NTM trên địa bàn. Ngay sau đó, tỉnh đã tiến hành phát động phong trào xây dựng NTM về: hạ tầng điện, đường, trường, trạm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; hoàn thành dồn điền đổi thửa...

Giúp nông dân hưởng thành quả tăng trưởng: Tạo đột phá từ chính sách

24-8-2010

AGROINFO - Nếu chỉ nhìn vào kim ngạch xuất khẩu (XK) sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể thấy ngành nông, lâm, thủy sản có những bước tiến rất dài.

VAC với biến đổi khí hậu

24-8-2010

AGROINFO - Theo các chuyên gia, chúng ta có thể “chống lại” ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bằng những giải pháp tưởng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất thiết thực như: trồng cây quanh nhà, tái sử dụng và tái chế chất thải, sử dụng nước tiết kiệm,... Mô hình kinh tế VAC với đặc tính ưu việt là tái sinh năng lượng, không có vật thải có thể có đóng góp quan trọng cho “cuộc chiến” này.

Công đoàn Viện chính sách và chiến lược PTNNNT – Trước thềm đại hội

23-8-2010

Ngày 27 tháng 8 tới, Công đoàn cơ sở Viện chính sách chiến lược phát triển NNNT sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XIV nhiệm kỳ 2010 – 2012. Hiện nay Ban chấp hành Công đoàn của Viện chính sách và chiến lược PTNNNT đã hoàn tất những khâu cuối cùng để bước vào ngày Đại hội .

Sao không mua tạm trữ "heo" sạch?

20-8-2010

AGROINFO - Trong bối cảnh hàng triệu con heo “sạch” đang vạ lây không tiêu thụ được vì dịch “tai xanh”, đã có ý kiến đề xuất Chính phủ cần có biện pháp thu mua tạm trữ giúp người chăn nuôi, đồng thời bình ổn giá thịt sau đại dịch này…

Các địa phương ĐBSCL liên kết cùng các viện, trường đại học thực hiện Chương trình ‘’Tam nông’’

20-8-2010

AGROINFO - Ngày 18-8, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Viện Cây ăn quả miền Nam về việc liên kết thực hiện Chương trình ‘’Tam nông’’ theo Nghị quyết 26-TW Đảng và NQ 24-CP của Chính phủ.

Kiểm tra tình hình thị trường gạo Đồng bằng sông Cửu Long

20-8-2010

AGROINFO - Tại Công văn số 5800/VPCP-TH, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-8-2010 về tình hình thị trường gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông dân Đồng Nai sốt ruột chờ “định đoạt” Vedan

20-8-2010

AGROINFO - Trong khi nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM đã nhận được khoản tiền bồi thường đợt 1 thì cuộc thương lượng giữa nông dân Đồng Nai và Vedan vẫn chưa ngã ngũ. Người dân đang rất nôn nóng cho “số phận” của mình trong vụ kiện.