TIN TỨC-SỰ KIỆN

An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp – hồi chuông cảnh báo

Ngày đăng: 18 | 06 | 2010

KTNT- Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã góp phần đem lại năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất chưa được coi trọng, gây ra nhiều hiểm họa khó lường.

Thuốc bảo vệ thực vật – hiểm họa khôn lường

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay 80% các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trôi nổi trên thị trường được nhập lậu qua đường biên giới. Ngoài loại thuốc BVTV trôi nổi do nhập lậu qua biên giới và thất thoát ở các kho hóa chất từ thời chiến tranh để lại ở các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, vấn đề nhức nhối là thuốc bảo vệ thực vật 666 DDT thuộc nhóm hữu cơ lan truyền ra nước và đất rất nguy hiểm cho con người và môi trường.

Một lần đi thăm làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm - Hà Nội), tôi giật mình khi nhìn thấy người nông dân dùng tay xé bao thuốc trừ sâu, đúng khi cơn gió thoảng qua mang theo luồng bột thuốc trắng thổi ập vào người. Anh ta nghiêng mặt vì không đeo khẩu trang, cúi xuống đổ thuốc vào bình bơm, dùng tay búng búng vào chiếc bao nhằm tận dụng thuốc và một làn bột trắng sữa bốc thẳng lên mặt.

 
 Vấn đề an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp chưa được coi trọng (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng lúc này, theo quan sát của tôi thì trên cánh đồng hoa Tây Tựu còn có hàng chục nông dân khác cũng đang phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho hoa. Điều lạ là tất cả đều không dùng khẩu trang. Ghé xuống sát ruộng của gia đình anh Nguyễn Văn Huấn, tôi thắc mắc: “Sao anh phun thuốc mà không đeo khẩu trang, anh không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe à”. Anh thành thật: “Chúng tôi quen vậy rồi”.

Quanh cánh đồng, bao bì thuốc BVTV nằm rải rác khắp nơi, khắp bờ ruộng, trên lối đi, dưới mương hồ, ao hồ. Dường như với nhiều nông dân, đó chỉ là một loại rác thải thông thường. Họ không hề ý thức về hậu quả nguy hiểm do tính chất độc hại với môi trường của các bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật.  Không riêng cánh đồng hoa Tây Tựu mà tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi. Đâu đâu cũng gặp cảnh nông dân vứt và thải vô tội vạ các loại bao bì thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu ra môi trường.

Theo PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường - Giới và Phát triển cộng đồng, cả nước có 15 - 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và khoảng 70% trong số đó đã có triệu chứng ngộ độc. Riêng ở Hà Nội, kết quả khảo sát thấy, chỉ 28% số hộ ở Tây Tựu có kho bảo quản thuốc BVTV riêng biệt và ở Đan Phượng con số này là 0,49%. 100% số người được hỏi đều trả lời họ vứt bao bì đựng thuốc một cách tự do sau khi sử dụng. Đây không những là nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân gây tai nạn cho người sử dụng.

Những tai nạn thương tâm

Những năm qua, nhiều loại máy móc đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp, tuy vậy mức độ cơ giới hoá các khâu trong lao động vẫn còn thấp. Do điều kiện về vốn, các máy cũ được đưa vào sử dụng chiếm 56,8%, trong đó các máy cũ có hư hỏng chiếm 17,1%. Nhiều máy nông nghiệp được sử dụng là các máy tự tạo, chiếm 4,27% trong tổng số máy được sử dụng. Ngoài ra, với các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ thì số máy có hướng dẫn chỉ chiếm 0,5%.

Các máy nông nghiệp như máy cày, xay xát, tuốt lúa, máy nổ... tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình làm việc bởi các chi tiết sắc nhọn, bộ phận chuyển động hoặc làm văng bắn các vật... Các máy tự chế phần lớn chỉ chú ý tới công năng chứ chưa chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người sử dụng cũng như người xung quanh, vì vậy 100% số máy đều không có cơ cấu bao che các bộ phận chuyển động, che chắn các vật văng bắn...

Trong nông nghiệp nông thôn, nhiều tai nạn thường xuyên xảy ra như bị dây cua-roa chẹt đứt ngón tay khi khởi động máy hoặc tay quay văng vào mặt, máy tuốt hút tay vào ổ máy, thóc bắn vào mắt... Rất nhiều loại máy như công nông, máy kéo, máy bơm có thùng moóc kèm theo đầu máy do nông dân tự thiết kế, lắp ráp, không theo một tiêu chuẩn thiết kế nào đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. ở góc độ an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Bởi hầu hết nông dân khi vận hành máy đều không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động tối thiểu.

Đến tận bây giờ, anh Lê Văn Mừng ở xóm 1, xã An Ninh (Quỳnh Phụ - Thái Bình) vẫn không thể quên giây phút đau thương ập xuống gia đình cách đây 9 năm. Kể về tai hoạ đó, giọng anh đầy xót xa: “Gia đình tôi làm dịch vụ tuốt lúa từ năm 1996. Một hôm, vào vụ thu hoạch, hai vợ chồng tôi sang tuốt lúa cho anh trai. Bình thường vợ tôi chỉ chuyển lúa để tôi đưa vào máy nhưng hôm đó khi tuốt gần xong, cô ấy đi tới chỗ phun rơm. Do đống rơm cao, chắn kín đầu nên phải dùng tay đẩy. Đẩy rơm xong, thấy đầu máy vẫn còn vương vài sợi, cô ấy liền nhặt, nào ngờ tay bị hút luôn vào máy”.  

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2009, cả nước có 6.807 vụ nhiễm độc thuốc BVTV với 7.572 trường hợp, tử vong 137 người, trong đó phần lớn bị nhiễm độc do không sử dụng trang thiết bị bảo hộ, một số ít là do uống nhầm thuốc trừ sâu. Tai nạn lao động trong sử dụng điện và máy móc nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao, cứ 100 nghìn người lao động có 799 lượt người bị tai nạn lao động. Riêng trong các trang trại có 22,6% số người bị tai nạn, trong đó 6,2% bị máy cán kẹp.

Theo tính toán của các chuyên gia, mặc dầu mức độ cơ giới hoá nông nghiệp ở nước ta chưa cao, song tai nạn lao động (TNLĐ) do các loại máy cơ giới nông nghiệp gây ra khoảng 80%, do công cụ cầm tay khoảng 20% số TNLĐ trong nông nghiệp. Vì thế,an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp vẫn là vấn đề nhức nhối với nông thôn Việt Nam

Lê Huê

NỘI DUNG KHÁC

Phấn đấu nâng giá trị hàng nông sản xuất khẩu lên 6 tỉ USD

18-6-2010

AGROINFO - Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2010, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt 127.000 tỉ đồng, tăng gần 20.000 tỉ đồng so năm 2009, nâng tỉ trọng công nghiệp lên 41% trong cơ cấu kinh tế quốc dân; kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản đạt 6 tỉ USD, tăng 0,5 tỉ USD so với năm 2009.

Hà Giang: Sơ kết vụ Đông – Xuân 2009 – 2010

18-6-2010

AGROINFO - Vừa qua, tỉnh Hà Giang đã tiến hành hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông – Xuân 2009 – 2010.

Vật tư nông nghiệp:Càng “siết” càng rối

18-6-2010

AGROINFO - Làm sao để hạn chế tối đa thuốc trừ sâu rởm, phân bón giả, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng gây thiệt hại cho người nông dân? Làm sao để sản xuất ra thịt, trứng và rau củ quả đảm bảo VSATTP là những bài toán vẫn chưa có lời giải. Và dường như, càng quản, càng siết chặt bao nhiêu, lại càng rối bấy nhiêu.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

18-6-2010

AGROINFO - Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung.

Trà Vinh: 483 trang trại phải giải thể do làm ăn thua lỗ

18-6-2010

AGROINFO - Thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.807 trang trại đang hoạt động, chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng, qua kiểm tra, đánh giá chỉ có khoảng 50% số trang trại làm ăn có hiệu quả, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn; trong đó, có 483 trang trại bị thua lỗ nặng buộc phải giải thể.

Huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang: Đưa cây đậu tương chở thành cây hàng hóa mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

18-6-2010

AGROINFO - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hà Giang đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Ưu đãi, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

17-6-2010

AGROINFO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 25-7-2010.

TP. Biên Hòa: Dân nuôi cá bè ... “gặp hạn”

17-6-2010

AGROINFO - Người dân nuôi cá bè ở các phường: An Bình, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) đang dở khóc, dở mếu vì bỗng dưng cá chết hàng loạt. Cá chết nổi trắng bè, lềnh bềnh trôi cả ra sông đã làm nhiều hộ phút chốc trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất...

Định hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa ở tỉnh vùng cao Lào Cai

17-6-2010

AGROINFO - Hội thảo "Định hướng phát triển chăn nuôi tỉnh Lào Cai giai đoạn năm 2011 - 2015" do Sở nông nghiệp & PTNT phối hợp với Tổ chức lương thực Oxfam Anh đã diễn ra vào ngày 16/6, tại thị trấn Sa Pa.Tham dự hội thảo này còn có đại diện Cục chăn nuôi (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai và lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh.

An Giang: Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đáp ứng tốt yêu cầu phát triển

17-6-2010

AGROINFO - Đó là đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện kế hoạch số 24/KH-UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra vào sáng ngày 16-6-2010

Quản lý thịt ngoại – cần chặt chẽ hơn nữa

17-6-2010

AGROINFO - Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn nhập khẩu vào nước ta trong 5 tháng đầu năm đã tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đã đạt trên 50 nghìn tấn. Trong số này chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm thịt đông lạnh (chiếm 95%). Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay lượng nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh. Để hạn chế tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29 về quản lý chặt chẽ thịt nhập khẩu, có hiệu lực từ 1/7/2010.

Chính phủ đồng ý mua tạm trữ 200.000 tấn muối

17-6-2010

AGROINFO – Ngày 15/6, sau nhiều lần Bộ NN-PTNT có kiến nghị về các giải pháp “giải nguy” cho diêm dân, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức có văn bản đồng ý chỉ đạo mua tạm trữ muối cùng một số chính sách hỗ trợ tích cực khác.