ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

Nhận thức, thái độ và hành vi bảo vệ môi trường của người dân vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên - nghiên cứu trường hợp tỉnh Đắk Nông

Ngày đăng: 25 | 11 | 2024

 Phát triển bền vững trong kinh tế, xã hội, môi trường vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là xu thế chung, yêu cầu cấp thiết của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sau hơn 3 thập niên Đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS ở Tây Nguyên đã được nâng cao, song thực tế cũng cho thấy phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống nông thôn.

   Dựa trên các phương pháp: Thu thập tài liệu; khảo sát xã hội học; quan sát tham dự; xử lý số liệu, nghiên cứu tập trung tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người DTTS về BVMT. Từ những phương pháp trên, kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức, thái độ và hành vi của người DTTS về BVMT khá tốt, thể hiện ở mức độ quan tâm đối với thực trạng ô nhiễm môi trường và các hành vi tham gia BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người DTTS thờ ơ với việc BVMT hay có các hành vi gây hại đến môi trường. Việc phê phán hay tố cáo các hành vi gây ô nhiễm môi trường còn rất hạn chế, các hành vi BVMT chưa trở thành dư luận tích cực với người dân. Trên cơ sở kết quả khảo sát, nghiên cứu gợi ý một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường ở khu vực nông thôn vùng DTTS tỉnh Đắk Nông.

    1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    BVMT là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Theo Luật BVMTnăm 2020, BVMT được hiểu là những hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Phát triển bền vững trong kinh tế, xã hội, môi trường vùng DTTS và miền núi là xu thế chung, yêu cầu cấp thiết của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Sau hơn 3 thập niên Đổi mới, nhờ kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTSTây Nguyên được nâng cao, song thực tế cũng cho thấy phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống (phá hủy hệ sinh thái, một số diện tích đất nương rẫy bị ô nhiễm…), tác động trực tiếp đến sức khỏe mỗi người dân. Điều này đặt ra vấn đề đối với quá trình phát triển bền vững BVMT vùng DTTS Tây Nguyên là cần thúc đẩy đồng bào DTTS tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và cải thiện môi trường.

    BVMT nói chung và ở khu vực nông thôn vùng DTTS nói riêng là một trong những mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông, là tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, môi trường là một trong những tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn thấp và thiếu tính bền vững nhất. Tính đến năm 2023, có 31,7% xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt tiêu chí số 17 về môi trường, công tác BVMT nông thôn có nhiều khó khăn, rào cản(UBND tỉnh Đắk Nông, 2023).Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Nông năm 2023, ngày càng nhiều nguồn chất thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

    Tại Việt Nam, một số nghiên cứu đã đề cập đến việc tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong BVMT, tuy nhiên chưa có nghiên cứu đề cập và phân tích đầy đủ dưới góc độ xã hội học các khía cạnh như sự quan tâm, quan niệm, thái độ và hành vi của các nhóm xã hội trong BVMT ở nông thôn vùng DTTS tỉnh Đắk Nông. Việc người dân nhận thức, điều chỉnh nhận thức, thái độ trách nhiệm và hành vi của mình đối với môi trường rất quan trọng. Để có giải pháp thúc đẩy người dân vùng DTTStỉnh Đắk Nông tham gia bảo vệ và cải thiện môi trường, việc tìm hiểu thực trạng nhận thức, thái độ và hành vi của người DTTS quan tâm đến vấn đề BVMT là cần thiết. Dựa trên kết quả khảo sát xã hội học 730 hộ gia đình DTTS tại tỉnh Đắk Nông từ tháng 3-4/2024, với góc độ tiếp cận xã hội học, nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi của người DTTS về BVMT, từ đó gợi ý một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn vùng DTTS tỉnh Đắk Nông.

    2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    2.1. Đối tượng nghiên cứu:

    Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 3 huyện (Đắk Glong, Đắk Song và Đắk Mil) của tỉnh Đắk Nông, bao gồm nhóm DTTS di cư (Tày, Nùng, H’Mông) và nhóm DTTS tại chỗ (M;Nông, Mạ, Ê đê). Đây là 6 DTTS chủ yếu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

    2.2. Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp thu thập tài liệu: Thu thập các văn bản, chủ trương của tỉnh Đắk Nông về môi trường, các nghiên cứu ở trong nước và quốc tế về môi trường.

    - Phương pháp khảo sát xã hội học: Phỏng vấn bảng hỏi730 hộ DTTS theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống tại địa bàn 6 xã (trong đó: 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Quảng Khê, Nâm Jang và Đắk R’La; 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đắk Som, Trường Xuân và Long Sơn) có tỷ lệ trên 15% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 3 huyện (Đắk Glong, Đắk Song và Đắk Mil) của tỉnh Đắk Nông.

    - Phương pháp quan sát tham dự: Nhóm nghiên cứu tham gia vào một số hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ, xóm... của các hộ DTTS, ghi chép những thông tin có liên quan đến đối tượng nghiên cứu và mục đích nghiên cứu, từ đó giúp lý giải những nguyên nhân, động cơ của hành vi tham gia vệ sinh đường làng, ngõ, xóm... của người DTTS mà nhóm nghiên cứu được quan sát.

    - Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 21.0.

    3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

    ​3.1. Nhận thức và thái độ của người DTTS về BVMT

    3.1.1. Quan niệm về ý nghĩa của BVMT trong đời sống

Bảng 1. Quan niệm của người DTTS về ý nghĩa của BVMT trong đời sống

25 11 24 1

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Số liệu bảng 1 cho thấy, người DTTS hiện nay coi trọng giá trị của BVMT trong đời sống. Ý nghĩa mang lại của BVMT đối với hộ gia đình và địa phương được thể hiện ở nhiều khía cạnh theo quan niệm của người DTTS, trong đó “Làm cho môi trường, cảnh quan sạch đẹp, trong lành hơn” là giá trị có tỷ lệ cao nhất DTTS đồng ý với 84,7%. Tiếp theo là “Gắn kết cộng đồng” (75,9%); Ảnh hưởng tốt đến sức khỏe cộng đồng” (73,6%); “Góp phần bảo vệ rừng” (50,3%); và “Tạo việc làm, tăng thu nhập (với hộ làm du lịch cộng đồng)” (22,1%). Như vậy, BVMT không chỉ quan trọng và có ý nghĩa làm cho môi trường, cảnh quan sạch đẹp, trong lành hơn, mà còn là cơ sở để đánh giá sự gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, BVMT góp phần bảo vệ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập và tác động tốt đến sức khỏe cộng đồng.

    3.1.2. Sự quan tâm đến vấn đề BVMT

    Để đánh giá giá trị BVMT trong đời sống của người DTTS, nghiên cứu tìm hiểu sự quan tâm của người DTTS về vấn đề BVMT.

Bảng 2. Sự quan tâm của người dân tộc thiểu số về BVMT

25 11 24 2

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Số liệu bảng 2 cho thấy, trong cuộc sống hiện nay, hầu hết người DTTS (91,9%) quan tâm đến BVMT, trong đó 87,8% cho rằng rất quan tâm; 4,2% cho rằng quan tâm đến vấn đề BVMT. Điều đó cho thấy, hiện nay vấn đề BVMT được nhiều người DTTS quan tâm và coi trọng. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ người DTTS thờ ơ với BVMT. Sự thiếu quan tâm này vô hình chung ảnh hưởng đến sự suy thoái môi trường ở nông thôn hiện nay. Điều đáng nói, sự thờ ơ với BVMT phổ biến hơn ở nhóm hộ DTTS tại chỗ, học vấn thấp, các hộ nghèo, cận nghèo và ở các xã chưa đạt tiêu chí nông thôn mới về môi trường.

    Xét theo các nhóm xã hội, không có sự khác biệt về giới tính, nhóm tuổi, học vấn và địa bàn khảo sát của người trả lời về mức độ quan tâm đến vấn đề BVMT. Điều đó có nghĩa, sự quan tâm đến BVMT trong đời sống của ngườiDTTS hiện nay là như nhau giữa nam và nữ, giữa người trẻ (từ 40 tuổi trở xuống) với trung niên (41-59 tuổi) và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), giữa người có học vấn cao và học vấn thấp, tại các địa bàn khảo sát.

    Sở dĩ đa số người DTTS ngày nay quan tâm đến vấn đề BVMT, bên cạnh các giá trị của BVMT đem lại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đồng, còn có lý do về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở khu vực nông thôn. Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đã và đang đặt ra những thách thức đối với công tác BVMT nông thôn hiện nay. Đó là các vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến như ô nhiễm nguồn nước thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn đất. Phần lớn người DTTS trong mẫu khảo sát (88,9%) đánh giá môi trường ở địa phương hiện nay kém hơn so với 5 năm trước đây. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa số người DTTS (91,2%) có thái độ lo lắng đến vấn đề BVMT nơi địa phương mình sinh sống.

    3.1.3. Nhận thức về ý nghĩa và sự cần thiết của sự liên kết, đoàn kết trong BVMT

    Huy động sức mạnh cộng đồng, cụ thể là phát huy tính liên kết, đồng thuận, thống nhất, ủng hộ của DTTS và các tổ chức cộng đồng trong việc tham gia các hoạt động, phong trào cải thiện, BVMT là vấn đề đặt ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, ngườiDTTSđánh giá cao sự liên kết, đoàn kết trong các hoạt động và phong trào BVMT tại địa phương. Hầu hết người DTTS đều đồng tình “sự liên kết, đồng thuận của cộng đồng trong BVMT là rất cần thiết” (97,9%). “BVMT cần có sự chung tay/cùng nhau của cả cộng đồng” (98,6%). Từ số liệu cho thấy hầu hết người DTTS tại địa bàn khảo sát có nhận thức tích cực về sự đoàn kết trong tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ, cải thiện môi trường ở địa phương. Hầu hết người trả lời (97,5%) cũng cho rằng, các phong trào BVMT ở địa phương họ cần được thực hiện bởi sự đoàn kết/đồng lòng của các dân tộc. Có 94,1% DTTS đồng ý với nhận định “cần thúc đẩy các hoạt động/phong trào BVMT ở địa phương thông qua sự liên kết cộng đồng”. 97,4% DTTS cho rằng “tôi không thể tham gia các phong trào BVMT tốt nếu thiếu sự liên kết/đoàn kết với cộng đồng”. Về ý nghĩa của sự liên kết, đoàn kết, có 96,6% DTTS đồng tình rằng “sự liên kết, đoàn kết của DTTS sẽ góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường” (Bảng 3).

Bảng 3. Nhận thức của người DTTS về ý nghĩa và sự cần thiết của sự liên kết, đoàn kết trong BVMT

25 11 24 3

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Như vậy, hầu hết người DTTS có nhận thức tích cực về sự liên kết, đoàn kết trong tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ, cải thiện môi trường ở địa phương. Người DTTS ngày nay đặc biệt coi trọng ý nghĩa và sự cần thiết của sự liên kết, đoàn kết của cộng đồng trong BVMT. Quan niệm tích cực về BVMT có thể dẫn tới việc sẵn sàng theo đuổi các hành vi cùng tham gia xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện và BVMT trong cộng đồng DTTS hiện nay.

    3.1.4. Thái độ của người dân tộc thiểu số về BVMT

Bảng 4. Thái độ của người dân tộc thiểu số về BVMT

25 11 24 4

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Số liệu bảng 4 cho thấy, đa số người DTTS cho rằng “Cần phải BVMT nước, không khí, đất” (93,5%). Có 94,1% người DTTS đồng ý và 5,9% không đồng ý với thái độ cho rằng “cần thúc đẩy các hoạt động/phong trào BVMT ở địa phương”. Quan điểm cho rằng “cần hưởng ứng tích cực các phong trào BVMT do cộng đồng dân cư/chính quyền phát động” nhận được sự đồng tình của 98,9% người DTTS.

    Có 87% người DTTS đồng ý rằng “tôi sẽ không làm gì ảnh hưởng môi trường dù nó có thể mang lại cho tôi nhiều lợi ích”. Tuy nhiên, có 13% người DTTS không đồng tình với nhận định trên. Đáng nói là, cách nhìn nhận và thái độ về hành động làm ảnh hưởng tới môi trường được thể hiện ở những người trung niên (41-59 tuổi), nhóm học vấn cao (trung học phổ thông trở lên), cả nhóm nam và nữ DTTS, hộ giàu và hộ nghèo. Điều đó phản ánh suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận người DTTS về hành vi có thể gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Đáng suy nghĩ là thái độ tiêu cực trên có thể ảnh hưởng tới nỗ lực BVMT của một số người DTTS, dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.

    “Trân trọng thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống” và “cần đối xử với thiên nhiên như những người thân trong gia đình” là thái độ được sự đồng tình của hầu hết người DTTS (95,7% và 93,2%). 97,7% người DTTS trong mẫu khảo sát cho rằng “BVMT là trách nhiệm của mỗi người”. Như vậy, đa số DTTS ngày nay có thái độ coi trọng và xem thiên nhiên và BVMT như là trách nhiệm của bản thân. Điều đó cho thấy, thái độ tích cực tham gia các hoạt động/phong trào BVMT ở địa phương đã tồn tại và phổ biến trong cộng đồng nông thôn vùng DTTS ngày nay. Thái độ về BVMT như vậy là cơ sở quan trọng cho việc tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động và phong trào BVMT của người vùng DTTS ngày nay.

    3.2. Hành vi của người dân trong BVMT

    Theo số liệu bảng 5, hiện nay người DTTS có nhiều hoạt động tham gia cải thiện, BVMT ở địa phương. Trong đó, hoạt động cải thiện, BVMT thu hút hầu hết hộ dân là dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch đẹp (90,7%), chuồng trại chăn nuôi đảm bảo quy định môi trường (82,4%), mai táng, hỏa táng phù hợp với quy định (76%). Khoảng 2/3 hộ dân thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hộ theo quy định. Khoảng một nửa hộ dân thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật và không vứt rác bừa bãi nơi công cộng (chợ, đường,…). Đây cũng là các tiêu chí mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra.

Bảng 5. Tỷ lệ người DTTS tham gia các hoạt động tham gia cải thiện, BVMT

25 11 24 5

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Để đạt được mục tiêu BVMT, người DTTS có nhiều hoạt động thiết thực. Đa số người DTTS (89,5%) tuân thủ các quy định về BVMT. Tham gia xử lý ô nhiễm môi trường cũng là hoạt động được nhiều người DTTS thực hiện (61%). Người DTTS cũng hướng tới BVMT thông qua việc nhắc nhở các thành viên gia đình tuân thủ các quy định về BVMT (62,7%). Khoảng một nửa người DTTS nhắc nhở, hướng dẫn hàng xóm tuân thủ các quy định về BVMT. Đặc biệt, người DTTS phê phán, tố cáo những người khác có hành vi gây hại môi trường (35,9%). Điều đó cũng khẳng định vai trò tham gia và giám sát của người DTTS trong các hoạt động BVMT. Hầu hết các hoạt động khắc phục/xử lý ô nhiễm môi trường của người DTTSthu hút sự tham gia nhiều hơn ở nhóm hộ dân có mức sống trung bình, nhóm DTTS di cư ở xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng chú ý, số liệu cho thấy tỷ lệ tuân thủ các quy định về BVMT ở hộ nghèo cao hơn đáng kể so với hộ khá giả (88,8% so với 74%). Điều này có thể là do các hoạt động sản xuấtcủa hộ nghèo DTTS thường gắn liền với thiên nhiênhơn với công cụ canh tác thô sơ, ngoài ra, rác thải, chất thải sinh hoạt hàng ngày của hộ nghèo cũng thường ít hơn. Số liệu cũng phản ánh tỷ lệ người DTTS ở xã nông thôn mới ít tuân thủ các quy định về BVMT hơn so với người DTTS ở xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (88,5% so với 90,4%), tuy nhiên sự khác biệt này hầu như không đáng kể và không có ý nghĩa thống kê (Bảng 6).

Bảng 6. Tỷ lệ người DTTS tham gia các hoạt động khắc phục/xử lý ô nhiễm môi trường phân theo mức sống, dân tộc và xã nông thôn mới (Đơn vị: %)

25 11 24 6

Nguồn: Kết quả khảo sát 730 hộ dân tại Đắk Nông năm 2024

    Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí trong Chương trình xây dựng NTM hiện nay, nội dung này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân nông thôn. Một trong những giải pháp triển khai các hoạt động BVMT trong xây dựng nông thôn mới là huy động nguồn lực, trong đó có sự đóng góp của người dân và cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy, người DTTS có nhiều cách thức đóng góp cho việc cải thiện, BVMT, không chỉ là ngày công lao động, tiền bạc, đất đai, phương tiện, công cụ mà còn cả thông tin, góp ý kiến. Điều đó phản ánh tính đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng trong các hoạt động, phong trào cải thiện BVMT, qua đó góp phần làm môi trường, cảnh quan địa phương sạch đẹp, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tốt hơn, ảnh hưởng tốt đến sức khỏe cộng đồng.

    Mặc dù các hành vi gây hại môi trường được đa số người DTTS ít chấp nhận, tuy nhiên số liệu khảo sát cho thấy vẫn có những hành vi không tuân thủ các quy định về BVMT (10,5%). 9,3% người DTTS cho biết hộ gia đình họ không tham gia hoạt động dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sạch đẹp; 34,2% không thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hộ theo quy định; 47,3% không thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật; 45,1% hộ vẫn có hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng (chợ, đường, nhà sinh hoạt cộng đồng,…); 57,3% hộ có hành vi sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt; 66,4% hộ có nước thải sinh hoạt không được xử lý theo quy định môi trường; 71,2% hộ không phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình mình; 70,3% không sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi đúng quy định; 73,2% chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo quy định môi trường; 59,5% hộ chưa có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 56,3% hộ chưa có nước sạch… Đáng lưu ý, có tới 6,3% hộ gia đình không có đóng góp dưới bất kỳ hình thức nào cho các phong trào BVMT ở địa phương.

    3.3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng môi trường nông thôn vùng dân tộc thiểu số

    Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, vẫn còn một bộ phận người DTTS thờ ơ đối với việc BVMT mà một trong những lý do là do họ thiếu hiểu biết về môi trường và ý nghĩa của việc BVMT, do đó cần nâng cao nhận thức và ý thức về BVMT của một số bộ phận người dân trong cộng đồng. Các chính sách nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BVMT cần làm nổi bật lên được những giá trị mà người dân trực tiếp thụ hưởng, từ đó thúc đẩy sự tự nguyện sẵn sàng tham gia các hoạt động BVMT, đóng góp vật chất, ngày công, thông tin, ý tưởng cho các hoạt động BVMT nông thôn.

    Thứ hai, thông qua truyền thông và vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng (già làng,…) tăng cường vận động, tuyên truyền để việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật của người dân đảm bảo đúng quy định, người dân không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, hạn chế sử dụng túi ni lông, hóa chất nông nghiệp trong sinh hoạt và sản xuất.

    Thứ ba, cần có các chính sách cụ thể, có tính khả thi cao cho công tác BVMT nhằm giảm thiểu các hành vi gây hại cho môi trường ngay từ đầu vào của quy trình sản xuất và đời sống sinh hoạt. Đó là các chính sách về nguyên liệu thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất, chế biến không phát sinh chất thải độc hại vượt quá quy định về BVMT, các chính sách về thị trường chất thải (tận thu, xử lý, tái chế, tái sử dụng).

    Thứ tư, cần có chính sách hỗ trợ về thông tin, kiến thức quản lý, BVMT cho đồng bào DTTS nhằm giúp họ có thể đưa ra những lựa chọn hành vi đúng đắn để bảo vệ và cải thiện môi trường. Theo đó, các chính sách về BVMT cần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận tài liệu về BVMT của đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS cần được dự các lớp nâng cao kiến thức và giáo dục pháp luật về BVMT. Họ cần được các chuyên gia môi trường tập huấn, hướng dẫn cách hành động để BVMT và giảm thiểu các tác động gây hại đối với môi trường. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS cần được cung cấp hoặc bán các loại vật tư sản xuất đảm bảo môi trường.

    Thứ năm, các chiến lược truyền thông và các giải pháp BVMT nông thôn vùng DTTScần chú ý nhiều hơn tới nhóm hộ DTTS tại chỗ, học vấn thấp, các hộ nghèo, cận nghèo và ở các xã chưa đạt tiêu chí nông thôn mới về môi trường, bởi kết quả khảo sát cho thấy sự thờ ơ và việc thực hiện các hành vi gây bất lợi đến môi trường sống phổ biến hơn ở các nhóm xã hội này.

    Thứ sáu, cần phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng, đặc biệt là sự liên kết, đoàn kết, đồng lòng của các cộng đồng tộc người thiểu số để thúc đẩy sự tích cực tham gia của họ vào các chương trình, chính sách, hoạt động, phong trào cải thiện, BVMT.

    4. KẾT LUẬN

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, BVMT là vấn đề được đa số người DTTS coi trọng và hướng tới. Vấn đề môi trường gắn với phát triển bền vững hiện nay là vấn đề được sự quan tâm của cộng đồng DTTS. Người dânvùng DTTS hiện nay nhận thức rõ hơn về các vấn đề về môi trường, từ đó có nhiều hành động ý nghĩa và thiết thực để BVMT nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người DTTS, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, học vấn thấp, ở xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thờ ơ đối với BVMT mà một trong những lý do là họ thiếu hiểu biết về môi trường và ý nghĩa của việc BVMT. Sự thiếu quan tâm này có thể là yếu tố tác động đến sự suy thoái môi trường, ảnh hưởng chung đến cuộc sống cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn tồn tại các hành vi gây hại đến môi trường. Đây là các hành vi không được xã hội mong đợi về BVMT. Ở góc độ văn hóa, các hành vi gây hại đến môi trường của một số tộc người thiểu số là rào cản đối với sự phát triển bền vững về môi trường của khu vực nông thôn vùng DTTS. Điều đó cũng cho thấy việc cân bằng hợp lý giữa sinh hoạt và sản xuất với quan tâm đến vấn đề môi trường nông thôn vùng DTTS là một thách thức lớn hiện nay.

    Nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh khá rõ nét về nhận thức, thái độ và hành vi về BVMT của người dân nông thôn vùng DTTS. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng còn những hạn chế do dữ liệu thu được chỉ mới từ khảo sát 6 DTTS, được xem như nghiên cứu trường hợp, chưa phản ánh đầy đủ nhận thức, thái độ và hành vi về BVMT của các DTTS đang sinh sống ở tỉnh Đắk Nông cũng như của người DTTS Tây Nguyên. Do đó, cần có những nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người DTTS ở phạm vi DTTS và địa bàn lớn hơn ở Tây Nguyên.

Phan Đức Nam

Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt III/2024)

    Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2020), Luật BVMT được Quốc hội ngày 4 tháng 12 năm 2020.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông (2023), Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Đắk Nông.

3. UBND tỉnh Đắk Nông (2023), Báo cáo tổng kết xây dựng nông thôn mới năm 2023.

 

NỘI DUNG KHÁC

Chính sách thuế môi trường nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại châu Âu và khuyến nghị cho Việt Nam

27-11-2024

 Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới, bao gồm nhiều hệ sinh thái khác nhau như núi, rừng nhiệt đới, núi đá vôi/khoáng, hệ sinh thái biển và ven biển... Tuy nhiên, ĐDSH của Việt Nam hiện đang xuống cấp, thoái hóa, yêu cầu đặt ra là Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan phải nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn ĐDSH. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm chính sách thuế môi trường nhằm bảo tồn ĐDSH tại châu Âu và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Kinh nghiệm cải thiện chất lượng không khí trên thế giới và bài học cho Việt Nam

27-11-2024

  Ô nhiễm không khí là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái trên toàn cầu. Các chất ô nhiễm chính gồm bụi mịn (PM2,5, PM10), nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2), carbon monoxide (CO) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Nguồn phát thải chủ yếu là từ giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong sinh hoạt.

Sáng kiến quản lý tài nguyên nước của Thái Lan và bài học cho Việt Nam

9-12-2024

 Nằm ở lục địa Đông Nam Á thuộc vùng nhiệt đới gần đường xích đạo, với khí hậu khô hạn, Thái Lan phải chịu hạn hán và thiếu hụt nguồn nước. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), dân số gia tăng và các hoạt động phát triển kinh tế, chủ yếu là nông nghiệp làm nhu cầu về nước tăng cao, trong khi nguồn nước dự trữ chính của Thái Lan là từ nước mưa.

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nguồn nước và an toàn hồ, đập tại Việt Nam

9-12-2024

 Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và sự biến động dòng chảy của các con sông lớn. Đặc biệt, với mạng lưới đê đập và hồ chứa rộng khắp từ miền Bắc đến Nam, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về an toàn đập, quản lý nguồn nước và ứng phó với BĐKH.

Kinh nghiệm quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải

9-12-2024

  Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (IPCC), phát thải khí nhà kính (KNK) trong lĩnh vực chất thải đóng góp khoảng 3 - 5% tổng phát thải KNK toàn cầu. Các loại KNK phát sinh chủ yếu từ chất thải gồm: Khí mê tan (CH4) do quá trình phân hủy chất thải hữu cơ tại các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý chất thải (XLCT); khí carbon dioxide (CO2) do quá trình đốt chất thải không kiểm soát.

Kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước bền vững tại Ôxtrâylia và bài học cho Việt Nam

9-12-2024

Nước đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 697 sông, suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên tỉnh; 173 sông suối, kênh, rạch thuộc nguồn nước liên quốc gia và 38 hồ, đầm phá liên tỉnh. Tổng lượng dòng chảy hàng năm đạt khoảng 844,4 tỷ m3; trong đó tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 310 - 315 tỷ m3/năm, chủ yếu thuộc các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cả, sông Mã, sông Vũ Gia - Thu Bồn.

Ứng dụng các mô hình công nghệ trong quản lý tài nguyên nước tại một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam

9-12-2024

Theo Ngân hàng thế giới (Worldbank), nước là nguồn tài nguyên tác động đến mọi khía cạnh của sự phát triển và liên kết với hầu hết mọi Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh, là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững.

Nghiên cứu kiến thức, hành vi của người dân về nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm qua thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình

9-12-2024

 Chất thải rắn (CTR) là một trong những nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, covid-19, viêm gan siêu vi B, C, HIV-AIDS… Đây được xem là vấn nạn chung của xã hội, vì nơi nào cũng có nguồn phát thải CTR, từ danh lam thắng cảnh, đường phố cho đến những nơi thuần tự nhiên ít người lui tới vẫn hiện diện, trong khi thời gian tự tiêu hủy của chúng phải tính từ nửa thế kỷ trở lên, song kiến thức của người dân về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế.

Đánh giá hàm lượng kim loại nặng và khả năng tái sử dụng trong nông nghiệp của tro đốt rác thải sinh hoạt

9-12-2024

  Tro đốt rác thải sinh hoạt đang là một thách thức lớn trong lĩnh vực môi trường trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc sử dụng tro xỉ từ quá trình đốt rác vẫn còn hạn chế, gây ra tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu nhằm phân tích hàm lượng kim loại nặng và đánh giá tiềm năng tái sử dụng tro đốt từ các lò đốt rác thải sinh hoạt trong nông nghiệp. Thông qua các phương pháp lấy mẫu và phân tích, thành phần dinh dưỡng như N, P, K cùng dư lượng kim loại nặng (As, Hg, Pb, Cd) được xác định để đánh giá khả năng tái sử dụng. Kết quả cho thấy tro và xỉ đều có hàm lượng dinh dưỡng cao và các kim loại nặng nằm trong ngưỡng an toàn cho ứng dụng trong nông nghiệp. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tái sử dụng tro theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn thông qua quản lý chất thải hiệu quả.

Nghị định số 102/2024/NĐ-CP: Bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan

10-12-2024

Nhằm quy định chi tiết đầy đủ các điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ quy định bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai và có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai; bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan, ngày 30/7/2024, Bộ TN&MT đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Từ kinh nghiệm quốc tế đề xuất giải pháp chính sách khuyến khích thiết kế, chế tạo thiết bị chuyên dùng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường

10-12-2024

Điều tra cơ bản trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là một nhiệm vụ thiết yếu được Chính phủ giao cho Bộ TN&MT, bao trùm các lĩnh vực quan trọng của ngành như đo đạc bản đồ, điều tra tài nguyên đất, nước, khoảng sản...

An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam

10-12-2024

Thái Lan là một nước nông nghiệp, có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa trung bình hằng năm tương đối cao. Tuy nhiên, thách thức mà Thái Lan cần phải giải quyết nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước nằm ở công tác quản lý nguồn nước và bảo đảm chất lượng nước.