Ngày đăng:
18 | 01 | 2015
Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu về phát triển các-bon thấp giữa Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) với Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Hội thảo Tăng cường năng lực về cơ chế hoạt động Trung tâm và Mạng lưới Công nghệ khí hậu (CTCN) đã được tổ chức tại Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2015. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng ISPONRE và TS. Takako Ono – Trưởng nhóm Khí hậu và Năng lượng, IGES đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho biết, Trung tâm và mạng lưới công nghệ khí hậu (CTCN) được thành lập nhằm dựa trên các sáng kiến nhằm hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các cơ chế công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, theo các thỏa thuận tại các chương trình nghị sự của Hội nghị về Biến đổi khí hậu (COP). Sứ mệnh của CTCN là nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, xây dựng xã hội các-bon thấp. CTCN cam kết tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển trong xác định nhu cầu công nghệ phù hợp, đồng thời tăng cường hợp tác trong chuyển giao công nghệ phù hợp, tạo điều kiện thực hiện các dự án công nghệ và chiến lược hỗ trợ hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, việc chung tay bảo vệ không khí nhằm giảm các phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tích cực tham gia vào nỗ lực chung toàn cầu để giảm nhẹ biến đổi khí hậu là rất thiết thực, nhằm làm giảm những tác hại kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu trong dài hạn. Đây là vấn đề không chỉ đối với một quốc gia mà cho cả khu vực, và đã được nhận thức rõ ở Việt Nam – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, và cũng là quốc gia có nhiều nỗ lực thích ứng được thế giới ghi nhận.
Trong bối cảnh đó, hội thảo Tăng cường năng lực về cơ chế hoạt động trung tâm và mạng lưới công nghệ khí hậu được tổ chức, nhằm giới thiệu các cơ hội hỗ trợ theo cơ chế CTCN, chia sẻ quan điểm về các công nghệ khí hậu tiềm năng tại Việt Nam và các công nghệ Nhật Bản, cũng như cơ hội tiếp cận CTCN cho các đối tác tại Việt Nam.

Nội dung của hội thảo xoay quanh ba vấn đề chính, cũng là ba phiên làm việc: Giới thiệu về CTCN, Triển vọng của các công nghệ các-bon thấp tiềm năng tại Việt Nam và Đổi mới công nghệ. Tại đây, các chuyên gia ISPONRE, IGES và nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ quan điểm, hiểu biết, kinh nghiệm và cùng thảo luận về tiếp cận cơ chế CTCN cho các đối tác tại Việt Nam, đổi mới và ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản phù hợp với điều kiện Việt Nam, cũng như những trao đổi giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao công nghệ và đề xuất hỗ trợ theo cơ chế CTCN, trong đó, mô hình và vai trò của một Trung tâm COE (Centre of Excellent) được đề cập như là một đơn vị tư vấn, hỗ trợ và cung cấp thông tin, làm cầu nối trong hợp tác nghiên cứu và phát triển.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo