Ngày đăng:
27 | 09 | 2009
Sáng 24/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Đại sứ quán Hà Lan và các nhà tài trợ tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo ban đầu Luật Tài nguyên nước (TNN) (sửa đổi) nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, nhà quản lý. Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế và chuyên gia cao cấp của Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cũng tới dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: những kết quả tích cực, đặc biệt là đã khai thác, sử dụng các nguồn nước tốt hơn để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý Nhà nước về TNN có nhiều tiến bộ và từng bước đi vào nề nếp, nhất là từ sau khi thành lập Bộ TN&MT. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước nhất là trong tình hình có nhiều thay đổi về chính sách, xã hội và các yêu cầu phát triển trong tình hình mới”.
“Nội dung quản lý của Luật TNN 1998 chưa hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận quản lý tổng hợp TNN của thế giới, các quy định về nước dưới đất chưa được đề cập thỏa đáng, sử dụng bền vững với quan niệm nước là loại hàng hóa kinh tế chưa được cụ thể…”, Bộ trưởng nói.
“Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ nghe các chuyên gia của Dự án trình bày những nội dung chính của Dự thảo ban đầu Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau phần trình bày của các chuyên gia, tôi mong muốn các đại biểu sẽ tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để phục vụ thiết thực cho Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.”- Bộ trưởng chỉ đạo
Ông Des Cleary (chuyên gia người Austrailia), Cố vấn Trưởng Dự án Luật TNN (sửa đổi) cho biết: Việc sửa đổi Luật TNN lần này nhằm tăng cường khung pháp lý về nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững TNN trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; nâng cao quản lý TNN tổng hợp và thống nhất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm TNN, bảo vệ nguồn nước trước tình trạng sử dụng nước không bễn vững và các nhân tố gây ô nhiễm ngày càng gia tăng; giảm thiểu các tác động có hại do nước gây ra.
Trong đề xuất pháp lý cho Luật TNN sửa đổi lần này, phạm vi điều chỉnh được mở rộng, nhiều thuật ngữ về TNN được đề xuất đưa vào Luật.
Theo Luật hiện hành, nước là một chất vật lý. Theo đề xuất sửa đổi Luật lần này, thuật ngữ Tài nguyên nước được định nghĩa toàn diện, bao gồm mọi dạng nước tự nhiên vận động trong chu trình thủy văn gồm nước mưa, nước mặt, nước vùng cửa song và nước dưới đất. Khái niệm nguồn nước được mở rộng hơn bao gồm: số lượng nước trong một nguồn nước, chất lượng nước trong một nguồn nước và môi trường xung quanh nguồn nước đó kể cả lòng và bờ, thảm thực vật và động vật sống trong nước hoặc trên long và bờ nguồn nước.
Tại Luật hiện hành, sử dụng nước nói chung được áp dụng cho việc lấy và sử dụng nước của một nguồn nước – lấy nước, trữ nước và sử dụng nước. Theo tài liệu đề xuất, định nghĩa sử dụng nước với nghĩa rất rộng bao gồm: Lấy nước từ một nguồn nước, trữ nước, các hoạt động làm giảm dòng chảy, xả thải, xây dựng một cấu trúc, di rời vật liệu hoặc thảm thực vật hoặc để vật liệu trên vùng đất ven sông (các hoạt động chịu kiểm soát), làm thay đổi lòng, bờ sông , hút nước dưới đất, hoạt động giải trí, văn hóa, bất cứ hoạt động nào được Bộ TN&MT công bố là sử dụng nước.
Ngoài ra, một số định nghía khác như đất ven song, hoạt động chịu sự kiểm soát, dòng chảy tối thiểu, khả năng nguồn nước dưới đất, các yếu tố bền vững đối với các nguồn nước dưới đất, chất lượng tài nguyên, các mục tiêu chất lượng tài nguyên cũng được đề xuất đưa vào Luật sửa đổi lần này.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được đề xuất gồm có 12 chương: Chương 1: Những điều khoản chung; Chương 2: Quy hoạch quản lý tài nguyên nước; Chương 3: Bảo vệ nguồn nước; Chương 4: Sử dụng nước; Chương 5: Phòng, chống, khắc phục hậu quả các tác hại do nước gây ra; Chương 6: Hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; Chương 7: Các hệ thống thông tin về tài nguyên nước; Chương 8: Các công trình nước; Chương 9: An toàn các công trình nước; Chương 10: Các quy định về tài chính và kinh tế; Chương 11: Quyền tiếp cận và sử dụng đất của ngưới khác; Chương 12: Tổ chức quản lý nước.
Theo ông Des Cleary, chương V về sử dụng nước là một chương quan trọng nhất, đặt cơ sở cho việc điều chỉnh sử dụng nước. Các loại quyền theo luật định và quyền được cấp phép sử dụng nước được đề cập chi tiết.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, trong thời gian qua, Tổ biên tập đã rất tích cực thực hiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cố gắng giảm tối đa việc xây dựng và ban hành các văn bản dưới Luật. Do đó, Tổ biên tập đã tích cực tìm hiểu các luật tài nguyên nước của các nước trên thế giới, lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia đầu ngành trong xây dựng thể chế về nước để kế thừa những mặt tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Vì vậy, trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo này, Tổ biên tập sẽ tiếp thu, hoàn thiện và tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có giá trị thực thi trong cuộc sống.
Theo kế hoạch dự kiến, Luật TNN sửa đổi sẽ được trình Chính phủ vào năm 2010 để trình ý kiến Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội.
Thúy Hằng