Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Hiệp hội hoa Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thanh long Bình Thuận cùng khoảng 100 hộ nông dân trồng hoa (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và trồng thanh long (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, chuyển đổi bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp là một trong những hoạt động chính trong Hợp phần 3 của Dự án: “Hình thành thị trường bóng đèn tiết kiệm năng lượng và giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng”. Để triển khai hoạt động này, Dự án đã thí điểm hỗ trợ 3.300 bóng đèn compact chống ẩm cho 10 hộ gia đình trồng thanh long với quy mô 3 ha tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và hỗ trợ 2.500 bóng đèn compact chống ẩm cho 17 hộ trồng hoa cúc với quy mô 2 ha tại thành phố Đà Lạt.

TS. Nguyễn Trung Thắng phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, đại diện bà con nông dân trồng hoa cúc và thanh long đánh giá, quyết định chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang sử dụng đèn compact trong chiếu sáng nông nghiệp là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Đại diện hộ dân trồng hoa cúc tại Đà Lạt, ông Lê Văn Liền chia sẻ, gia đình ông đã sử dụng đèn compact trong chiếu sáng cho hoa từ năm 2008. “Tôi đã sử dụng đèn compact của nhiều hãng như Rạng Đông, Điện Quang, Phillips và cả hàng có nguồn gốc Trung Quốc. Nhưng sau thời gian dài sử dụng, tôi nhận thấy đèn của Trung Quốc giá thành rất rẻ nhưng nhanh hỏng, còn đèn của Điện Quang hay Rạng Đông có ưu điểm là thích hợp thắp sáng ngoài trời, độ bền cao, các bộ phận đi cùng có hỏng dễ thay thế” – Ông Liền cho hay.
Đại diện làng hoa Thái Phiên tại Đà Lạt cũng khẳng định: Dùng đèn tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng cho hoa giúp các hộ gia đình trồng hoa tiết kiệm được chi phí không nhỏ hàng tháng cho điện. Do đó, đến nay 100% hộ dân trong làng hoa đã bỏ bóng đèn sợi đốt và chuyển sang dùng đèn tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trung bình mỗi hộ trồng hoa phải dùng từ 400 đến 1.000 bóng đèn tiết kiệm năng lượng để chiếu sáng, chi phí ban đầu mua bóng đèn khá lớn. Làng hoa cũng đề xuất nhà sản xuất có hỗ trợ giá mua đèn cho bà con nông dân.
Đồng quan điểm với những hộ dân trồng hoa cúc (Đà Lạt), đại diện hộ dân trồng thanh long (Bình Thuận) cũng cho rằng, việc chuyển đổi từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact là quyết định đúng đắn. Nhất là sau khi có sự hỗ trợ từ Dự án cho 3 ha thanh long thuộc xã Hàm Cường và Hàm Kiệm đã giúp cho một số hộ tham gia mô hình không có khả năng đầu tư có cơ hội được sử dụng bóng đèn compact như những hộ khác. Qua đó, giúp người dân tự tin hơn khi thực hiện việc chuyển đổi từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn compact.

Đại diện các thành phần đại biểu tham dự Hội thảo
Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, sau một thời gian giúp bà con sử dụng bóng đèn compact chiếu sáng để kích thích thanh long ra hoa trái vụ, kết quả thu được, trung bình mỗi hộ tiết kiệm được 1.742.400 đồng/vụ. Như vậy, mỗi ha sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm được 8.712.000 đồng năm tiền điện thắp sáng. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa có kiến thức khoa học trong việc sử dụng bao nhiêu bóng đèn/ha, khoảng cách mỗi bóng đèn dài bao nhiêu mét… Thực tế, hiện nay người dân trồng thanh long vẫn chỉ chong đèn bằng kinh nghiệm “canh thời tiết”.
Trước những ý kiến, đề xuất của đại hiện những hộ dân, Giám đốc Dự án Nguyễn Trung Thắng cho rằng, hoạt động thí điểm của Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đối với một số hộ trồng hoa cúc và thanh long đã cho kết quả rất đáng mừng. Đây là cơ sở để mở rộng quy mô sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng tại địa phương. Những đề xuất, kiến nghị của người dân chủ yếu về hỗ trợ kỹ thuật sử dụng bóng đèn đạt hiệu quả chiếu sáng cao nhất cũng như được hỗ trợ về giá đã được các nhà sản xuất Rạng Đông và Điện Quang trao đổi, giải thích ngay tại Hội thảo.
Ban quản lý Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam