Cùng tham dự có Giám đốc Dự án Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; và hơn 100 đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số Bộ, Ngành, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp sản xuất bóng đèn, pin & ắc-quy, ôtô,… tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết: Để triển khai Điều 67 Luật bảo vệ môi trường 2005, ngày 09 tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thuộc nhóm: Thiết bị điện, điện tử dân dụng và công nghiệp; pin và ắc quy; thuốc sử dụng cho người, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản; dầu nhớt; săm, lốp; ô tô, xe máy.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm đó được xử lý đảm bảo môi trường, đây cũng là xu hướng mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Quy định chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, Quyết định này cũng gắn trách nhiệm của người tiêu dùng và cơ sở phân phối và các bên liên quan tham gia vào hoạt động thu hồi sản phẩm thải bỏ, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tại Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Tại Điều 87 của Luật bảo vệ môi trường 2014 cũng quy định: chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định; Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ. Điều 87 cũng đã quy định việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, việc rà soát, sửa đổi Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg và Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định này để phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2014 là cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống phát luật về bảo vệ môi trường.
Tham dự Hội thảo, ông Phùng Hoàng Vân, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT TP. Hồ Chính Minh đã chia sẻ kinh nghiệm thu gom chất thải nguy hại từ các hộ gia đình của TP. Hồ Chí Minh. Ông Vân cho hay, từ năm 2008 TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội thu gom chất thải nguy hại. Ngày hội này thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua Ngày hội này, Ban tổ chức phát miễn phí cho người dân những tờ rơi tuyên truyền và quà tặng. Theo thống kê, Ngày hội thu gom chất thải nguy hại năm 2008, Ban tổ chức thu gom được 600 kg, đến năm 2010 tăng lên 2.100 tấn và đến năm 2014 là 2.000 tấn chất thải nguy hại.
Ông Võ Minh Hoàng - Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết Kế hoạch triển khai Quyết định 50 của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang: Thực tế vừa qua, với số lượng đèn huỳnh quang thải bỏ nhỏ lẻ, không thường xuyên nên phần lớn người dân không phân loại để đưa đến các điểm thu gom, xử lý riêng mà bỏ chung với các rác thải sinh hoạt thông thường. Vì vậy, hầu hết đèn huỳnh quang thải bỏ hiện nay được thu gom và xử lý thông qua đường rác thải sinh hoạt thông thường. Trong khi chi phí bỏ ra thu gom sản phẩm thải bỏ cao hơn trong khi sản phẩm bóng đèn huỳnh quang không có giá trị tái chế.
Do đó, kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện việc thu gom theo quy định của pháp luật, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang sẽ thành lập nhóm phụ trách chuyên môn về công tác thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ trên thị trường; tìm hiểu về thực trạng thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ hiện nay ở trong nước; tham khảo một số mô hình thu gom, xử lý sản phẩm tương tự tại một số nước phát triển, từ đó xây dựng và lựa chọn các phương án, giải pháp thu gom và xử lý sản phẩm phù hợp với điều kiệm hiện tại của doanh nghiệp.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – Pháp chế (Tổng cục Môi trường) ông Hoàng Minh Sơn cho hay: Chính sách thu hồi chất thải bỏ nguy hại rất mới tại Việt Nam nhưng lại không mới đối với nhiều nước trên thế giới. Trong quy định của Luật Môi trường Việt Nam, nòng cốt của chính sách thu hồi chất thải bỏ là nhà sản xuất sản phẩm đó. Ông Hoàng Minh Sơn đánh giá cao sự nỗ lực Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam và của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ắc quy, dầu nhớt đã tích cực chuẩn bị kế hoạch để triển khai chương trình thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của mình, góp phần từng bước xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ chính quy, bền vững tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Cũng trong hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá cao Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách, pháp luật về thu hồi, xử lý sản phẩm tại Việt Nam. Đây là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia môi trường đầu ngành có thể chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thực trạng thu gom, xử lý chất thải điện, điện tử và các chất thải độc hại khác tại Việt Nam.
Thứ trưởng đã đề nghị trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm thuộc diện phải thu hồi, xử lý sau khi thải bỏ chủ động, phối hợp với cơ sở phân phối, cơ sở thu gom, xử lý chất thải và người tiêu dùng tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể hơn nữa nhằm thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với cộng đồng và môi trường, qua đó cũng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
Dự án Loại bỏ bóng đèn sợi đốt thông qua việc chuyển đổi thị trường chiếu sáng tại Việt Nam