Ngày đăng:
02 | 02 | 2015
Ngày 29 tháng 01 vừa qua, trong khuôn khổ Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP), tại Nay Pyi Taw, My-an-ma đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 4 (EMM4) với chủ đề “Tăng cường đầu tư vào Vốn tự nhiên trong GMS”. Hội nghị được tổ chức ba năm một lần với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Môi trường các nước trong GMS.
Tiếp nối thành công của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường lần thứ 3 (EMM3) được tổ chức tại Phnom Penh, Cam-pu-chia năm 2011, EMM4 là cơ hội để Lãnh đạo Bộ Môi trường các nước trong GMS cùng nhau thảo luận và xác định các hành động cần thiết nhằm hướng tới nền kinh tế xanh GMS với vai trò quan trọng của vốn tự nhiên và sự cần thiết của việc tăng cường đầu tư vào vốn tự nhiên cũng như việc xây dựng mối quan hệ đối tác về vốn tự nhiên trong GMS.

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị EMM4, đại diện Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã nêu bật những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển toàn diện, bền vững quốc gia và khu vực, đánh giá cao những hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển trong việc triển khai CEP, các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế khác. Thứ trưởng cũng khẳng định Việt Nam cam kết tăng cường đầu tư vào vốn tự nhiên và hợp tác khu vực nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh trong khu vực GMS.

Trước đó, trong ngày 27 và 28 tháng 01 đã diễn ra các sự kiện bên lề quan trọng bao gồm: Hội nghị các quan chức cấp cao trong GMS; Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Cảnh quan đa dạng sinh học liên quốc gia; Diễn đàn Thanh niên môi trường và Đối thoại về vốn tự nhiên. Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực vào các sự kiện này nhằm thiết lập các quan hệ đối tác và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam với các nước trong khu vực GMS.

Hội nghị EMM4 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra, bao gồm: (i) tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trong việc quản lý vốn tự nhiên; (ii) huy động hợp tác trên nhiều phương diện nhằm tăng cường và tạo cơ hội cho việc đầu tư hoặc tái đầu tư vào vốn tự nhiên; (iii) xem xét vai trò của các bên liên quan nhằm xác định cơ hội, tạo thuận lợi cho quá trình hình thành, phát triển các công cụ để lồng ghép vốn tự nhiên vào chính sách và các quyết định đầu tư.