Ngày đăng:
17 | 12 | 2015
Ngày 16 tháng 12 năm 2015, tại trụ sở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, TS. Nguyễn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì buổi họp với các chuyên gia để xin ý kiến tham vấn các vấn đề liên quan đến Báo cáo tổng hợp của Dự án “Điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược vì lợi ích lâu dài của quốc gia”. Buổi họp còn có sự tham gia của nhóm thực hiện Dự án và đại diện các phòng, Ban có liên quan.
Dự án “Điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược vì lợi ích lâu dài của quốc gia” của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt 2013 và đang đi vào giai đoạn kết thúc. Mục tiêu của dự án là đề xuất được giải pháp tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô và phát triển bền vững đất nước. Trong đó, có những mục tiêu cụ thể, đó là: xác định được các loại khoáng sản chiến lược cần tăng cường dự trữ vì lợi ích lâu dài quốc gia và đề xuất giải pháp đảm bảo cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản chiến lược. Dự kiến sau khi hoàn thành dự án, Viện sẽ ra mắt báo cáo tổng hợp và dự thảo Tờ trình và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp tăng dự trữ khoáng sản chiến lược vì lợi ích quốc gia”. 
Về bản báo cáo, TS Nguyễn Thành Vạn - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng: “Cần trình bày rõ khái niệm cơ bản khoáng sản chiến lược, dự trữ khoáng sản chiến lược và nêu rõ hình thức, hình thái dự trữ khoáng sản nói chung và dự trữ khoáng sản chiến lược nói riêng, đồng thời đối chiếu với văn bản pháp luật về việc này để thấy rõ được sự khác biệt. Đồng thời, nên bổ sung nghiên cứu về dự trữ khoáng sản khu vực ASEAN để thấy rõ sự tác động qua lại đối với Việt Nam như thế nào.” Theo TS Nguyễn Thành Vạn thì định hướng giải pháp bao trùm vẫn là chính sách pháp luật.
TS Lê Ái Thụ - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đưa ra nhận xét: “Phần đánh giá hiện trạng cần xây dựng trên cơ sở dữ liệu chắc chắn, riêng phần trình bày tổng quan về chính sách, đặc biệt là định hướng lớn nên chắt lọc những thông tin, chỉ số phù hợp, cơ sở trữ lượng cụ thể để từ đó đưa ra giải pháp thiết thực. Cái khó nhất là dựa vào đâu để xác định được khoáng sản chiến lược, tuy nhiên, chúng ta có thuận lợi là đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến khoáng sản quan trọng và dự báo cạn kiệt”.

Qua nhiều ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, thay mặt nhóm thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp tăng dự trữ một số khoáng sản chiến lược vì lợi ích lâu dài của quốc gia” của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Phó Viện trưởng, TS Nguyễn Thắng khẳng định: “Nhóm thực hiện sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện báo cáo theo các ý kiến góp ý xác đáng, có giá trị của các chuyên gia, và cố gắng đạt kết quả cao nhất. Ngoài những mục tiêu Dự án hướng đến, hy vọng những kết quả mà Dự án mang lại có thể góp phần bổ sung chỉnh sửa các văn bản Quy phạm pháp luật mang tầm chiến lược”.
Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo