Ngày đăng:
24 | 04 | 2018
Ngày 24/4/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở (Hội đồng thành lập theo Quyết định số 146/QĐ-VCLCS ngày 17 tháng 4 năm 2018): "Nghiên cứu ứng dụng dự báo dài hạn (foresight) trong xây dựng chiến lược, chính sách quản lý tài nguyên và môi trường của Việt Nam" do ThS Hoàng Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế thuộc Viện làm chủ nhiệm. Hội đồng do TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm Chủ tịch Hội đồng và những kết quả nghiên cứu đều được các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao.

Kết quả nghiên cứu đề xuất cách tiếp cận Foresight có thể ứng dụng trong dự báo dài hạn phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Đây không phải là sản phẩm thuần túy của khoa học mà là cách tiếp cận để hỗ trợ cho việc xây dựng quy hoạch và quản lý có tính chiến lược, đặc biệt trong xây dựng quy hoạch chiến lược ngành tài nguyên và môi trường. Mục tiêu cuối cùng là khả năng có thể ứng dụng cách tiếp cận này trong quy hoạch xây dựng chiến lược tài nguyên và môi trường.
Cách tiếp cận Foresight với phương pháp xây dựng kịch bản đã giúp cho việc tiếp cận được các thành phần khác nhau trong xã hội, tạo sự đồng thuận về mục tiêu, động lực cùng lựa chọn với thái độ chủ động đối phó với các bất định luôn luôn có khả năng xảy ra. Quy trình xây dựng phương pháp này có thể làm tham khảo đối với quy trình xây dựng chính sách và chiến lược của Việt Nam, đặc biệt trong xây dựng chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường. Như đã phân tích rất kỹ trong đề tài, trong quy trình thực hiện theo phương pháp này có các ưu điểm từ việc chuẩn bị các thông tin đầu vào, huy động được nhiều chuyên gia cũng như các thành phần khác nhau trong xã hội cùng tham gia, cách thức cùng trao đổi và thảo luận rất mở giúp cho các chuyên gia đưa ra được nhiều kịch bản khác nhau để lựa chọn, đồng thời với quy trình rõ ràng, lô gic, tính đến các tình huống bất định nên cách xử lý cũng sẽ linh hoạt, dẫn đến cách ứng dụng vào các kế hoạch hành động thực hiện không bị áp lực dồn vào cuối kỳ của kế hoạch, cũng như không bị xa rời với các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách mà các chính sách hiện hành của chúng ta vẫn đang vướng mắc. Áp dụng tốt quy trình này sẽ gia tăng tính liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương. Mỗi bộ, cơ quan được giao xây dựng thực hiện xây dựng chính sách không chỉ là công việc riêng của bộ, ngành đó. Việc áp dụng thử nghiệm phương pháp này có thể cần được mở rộng trong xây dựng chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường chuyên ngành, đồng thời áp dụng một số phương pháp, kỹ thuật khác như Điều tra Delphi, phân tích SWOT, phân tích kinh tế lượng vĩ mô, phân tích I/O… nhưng khi có điều kiện về tài chính và thời gian thuận lợi hơn. Các phương pháp này sẽ hỗ trợ cho phương pháp xây dựng kịch bản.Nếu chỉ áp dụng một phương pháp riêng lẻ có thể sẽ không linh hoạt trong việc đưa ra các chính sách phù hợp.
Nhìn lại công tác dự báo phục vụ xây dựng chiến lược và chính sách của nước ta thời gian qua, dù có nhiều cố gắng và đạt những thành tựu nhất định nhưng về tổng thể, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường, công tác dự báo cần được tập trung và chú trọng hơn nữa, cập nhật, bổ sung các kiến thức về dự báo, xây dựng năng lực dự báo nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong vấn đề nâng cao năng lực dự báo phục vụ xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, xác định khả năng áp dụng ở Việt Nam là cần thiết, qua đó nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia xây dựng chiến lược ngành tài nguyên và môi trường, trước hết là nghiên cứu viện của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
An Bình