Ngày 14/12/2018, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững" do ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Khoáng sản và Tài nguyên nước thuộc Viện làm chủ nhiệm. Hội đồng do TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường làm Chủ tịch Hội đồng và những kết quả nghiên cứu đều được các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao.

Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Khoáng sản và Tài nguyên nước

Trên thế giới, ở những nước có hoạt động khai thác khoáng sản, việc bảo vệ quyền lợi của cộng đồng tại vùng có khoáng sản luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thông qua Luật, chính sách và các chương trình, Nhà nước bảo vệ các lợi ích của người dân nơi có hoạt động khoáng sản theo các tiêu chí phát triển bền vững. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc bảo vệ lợi ích của người dân tại vùng có khoáng sản và rút ra bài học cho Việt Nam.
Năm 1996, Việt Nam lần đầu tiên ban hành Luật Khoáng sản, trong đó, Điều 7 quy định về quyền lợi nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến. Đến năm 2010, Luật Khoáng sản 2010 thay thế Luật Khoáng sản 1996, nội dung này tiếp tục được quy định tại Điều 5 của Luật. Theo đó, quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác là được hưởng một phần từ nguồn thu hoạt động khoáng sản; được doanh nghiệp khai thác hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; được sống trong môi trường đảm bảo; được chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Và các quyền lợi đó được bảo đảm bởi các cơ chế, chính sách: phân bổ nguồn thu từ hoạt động khoáng sản; hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; ưu tiên sử dụng lao động địa phương; chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản...
Qua nghiên cứu, có thể thấy được bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Hầu hết các nước nghiên cứu đều phân chia một phần nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên cho chính quyền địa phương trên cơ sở tỉ lệ chiết khấu. Tuy nhiên, tỉ lệ phân bổ/chiết khấu tùy thuộc vào quy mô dân số, diện tích đất khai thác, năng lực đầu tư của địa phương, giá cả của khoáng sản khai thác…Tính không ổn định của nguồn thu và năng lực hạn chế về lập kế hoạch và chi tiêu của chính quyền địa phương là những vấn đề cần quan tâm khi thực hiện chính sách này; Các chương trình phát triển cộng đồng tự nguyện (CDAs) trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và khai thác là một công cụ khá hiệu quả để góp phần giảm căng thẳng xã hội xung quanh quá trình khai thác, cho phép các cộng đồng và khu vực bị ảnh hưởng và hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên từ những vùng đất mà họ sinh sống từ trước đến nay. Các công ty khai thác tài nguyên thiết lập CDAs trực tiếp với cộng đồng địa phương, với rất ít hoặc không có sự tham gia của chính phủ; Mặc dù các công ty khai thác vẫn đóng góp, tài trợ và thực hiện CDAs bằng cách thanh toán trực tiếp cho cộng đồng, nhưng hầu hết các công ty thường thích sử dụng các loại quỹ (FTFs) để phát triển cộng đồng. Bởi các quỹ phát triển cộng đồng, có thể bắt buộc hay không bắt buộc, thì được huy động và quản lý một cách bài bản, có mục tiêu rõ ràng và được giám sát bởi chính phủ. Sự chia sẻ, đóng góp của chính phủ là rất quan trọng để quỹ hoạt động hiệu quả, tuy nhiên việc giám sát hoạt động của quỹ cần phải tiến hành độc lập, đúng vai trò là một cơ quan quản lý. Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có thể tác động, xác định cơ cấu, tổ chức của một FTF, nhưng phải đảm bảo rằng hoạt động của các FTFs là nhằm mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển địa phương khu vực khai thác; Để các công cụ chia sẻ lợi ích với cộng đồng được thực thi, sử dụng có hiệu quả cần thiết phải đầu tư, xây dựng năng lực của cộng đồng, địa phương. Việc thiếu năng lực tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển là một thách thức lớn khi sử dụng các FTFs. Trong trường hợp như vậy thì việc áp dụng các chương trình đóng góp tự nguyện lại hiệu quả hơn. Vì khi đó, các công ty khai thác tài nguyên trên địa bàn họ sẽ chủ động đầu tư, tăng cường năng lực và các kỹ năng tiếp cận nguồn vốn cho địa phương ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án; Các chính sách về hàm lượng nội địa hóa được các quốc gia xuất khẩu khoáng sản áp dụng rất nhiều để bảo vệ quyền lợi địa phương khu vực khai thác. Thông qua các chính sách này, người dân, cộng đồng, địa phương có khoáng sản khai thác được tăng cường các kĩ năng mới, tạo công ăn việc làm, tham gia vào các quá trình cung ứng sản phẩm/dịch vụ cho hoạt động khai thác…
An Bình