Ngày 06/11/2019, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học, WWF phối hợp với UNDP BES-Net và UNEP-WCMC tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia và đối thoại các bên về dự thảo Báo cáo đánh giá hệ sinh thái. Mục tiêu của Hội thảo nhằm Tham vấn về dự thảo Báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia và bản Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái; Tăng cường sự hợp tác giữa 3 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và nhà thực tiễn) trong quá trình ra quyết định và phát triển chính sách; Tăng cường năng lực và sự tham gia của các đối tác khác nhau vào quá trình đánh giá hệ sinh thái cũng như đánh giá tác động chính sách và đề xuất các phương án thực hiện; Chia sẻ các công cụ, cách tiếp cận và phương pháp luận về đánh giá hệ sinh thái quốc gia trên cơ sở hướng dẫn của Khung Liên QG về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES). Hội thảo diễn ra trong 02 ngày mùng 06 và 07/11/2019.
Trong những thập kỷ gần đây, nhân loại đã quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển bền vững dựa vào hệ sinh thái, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dựa vào các hệ sinh thái, v.v... Việc nghiên cứu hệ sinh thái đã trở thành công cụ quan trọng trong việc đánh giá và kiểm soát các tác động đến môi trường trong quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ phục vụ đời sống con người, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ, chính xác và hệ thống về chức năng hay dịch vụ của các hệ sinh thái.

TS Lại Minh Hiền, GĐ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học phát biểu tại Hội thảo

PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng, ISPONRE/MONRE phát biểu tại Hội thảo

Bà Yuko Kurauchi, UNDP BES-Net phát biểu tại Hội thảo
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường được đề cập đến trong Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Chính phủ cũng đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn ĐDSH.
Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về ĐDSH với nhiều cam kết quốc tế đã được nội luật hóa. Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, năng lực xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến công tác bảo tồn ĐDSH với các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và áp dụng các công cụ mới, cách tiếp cận mới để đạt được các mục tiêu của Chiến lược QG về ĐDSH giai đoạn 2011-2020 và các mục tiêu Aichi; các mục tiêu PTBV và các mục tiêu liên quan khác.
Trong khuôn khổ hỗ trợ của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của Cộng hòa Liên bang Đức cho Dự án Hỗ trợ xây dựng năng lực để giải quyết các mối quan hệ giữa khoa học-chính sách-thực tiễn tại 8 nước: Azerbaijan, Bosnia and Herzegovina, Cambodia, Cameroon, Colombia, Ethiopia, Grenada và Việt Nam thông qua Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP-WCMC) từ năm 2017-2020, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) triển khai các hoạt động của dự án. Đến nay, dự thảo Báo cáo về đánh giá hệ sinh thái quốc gia và Tóm tắt chính sách về dịch vụ hệ sinh thái đã được xây dựng và xin ý kiến các đối tác liên quan, để tham vấn rộng rãi và hoàn thiện báo cáo.
Một số hình ảnh trong Hội thảo:

PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng và TS. Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc QG, WWF Việt Nam chủ trì





An Bình