Ngày đăng:
07 | 12 | 2017
Ngày 7/12/2017, tại Hải Phòng diễn ra Hội thảo nghiệm thu nhiệm vụ Xây dựng Kịch bản các bon thấp cho thành phố Hải Phòng đối với lĩnh vực năng lượng. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND Thành phố Hải Phòng và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Nhóm Nghiên cứu mô hình tích hợp Châu Á - Thái Bình Dương Nhật Bản (gồm Trường Đại học Ritsumeikan, Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản (NIES), Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và Viện Nghiên cứu và thông tin Mizuho Nhật Bản).

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng (trái)
Hải Phòng là thành phố cảng biển quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế và trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Duyên hải Bắc Bộ, cửa chính ra biển của Miền Bắc. “Kịch bản các bon thấp cho thành phố Hải Phòng” là một sản phẩm rất có ý nghĩa đối với thành phố Hải Phòng, thực hiện một trong các nhiệm vụ quan trọng của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của thành phố (Nghiên cứu xây dựng các mô hình xanh như: Thành phố thông minh, Đô thị xanh, Công nghiệp xanh, Môi trường xanh, Giao thông thông minh…) và góp phần quan trọng trên con đường hướng đến mục tiêu Thành phố cảng xanh. Đồng thời đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính mà thành phố phải triển khai trong Kế hoạch hành động thực hiện thỏa thuận Paris COP 21 về biến đổi khí hậu theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.


TS Nguyễn Tùng Lâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường phát biểu về quá trình thực hiện
“Kịch bản các bon thấp cho thành phố Hải Phòng” nghiên cứu tính toán cho lĩnh vực sử dụng năng lượng. Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu thì thành phố Hải Phòng có thể giảm được 4,6 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 14% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 trong kịch bản phát thải có tính đến các biện pháp giảm thiểu (2030CM) so với kịch bản phát thải thông thường (2030BaU). Mục tiêu giảm phát thải này của thành phố là phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (giảm từ 10-20%) và trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định về biến đổi khí hậu của Việt Nam (8-25%).
Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao nhận thức và có hành động cụ thể góp phần giảm thiểu phát thải khí các bon; tiếp tục đề nghị các cơ quan hữu quan, đối tác Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ thành phố nghiên cứu mở rộng Kịch bản các-bon thấp cho các lĩnh vực khác như: Chất thải rắn, Nông lâm nghiệp và Sử dụng đất.

An Bình